Bài 3: Chuyện phóng viên nhà Đài… lao vào tâm bão

22/09/2024 06:26

(CLO) Chiến dịch thông tin cảnh báo, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão Yagi (cơn bão số 3) của Đài Truyền hình Việt Nam được xem là chưa từng có tiền lệ, thể hiện sức mạnh tổng lực và tinh thần chủ động, dấn thân của VTV trong những hoàn cảnh đầy khó khăn của đất nước, nhân dân. Trong chiến dịch này, tại Quảng Ninh - nơi "điểm nóng” tin tức được VTV triển khai thông tin liên tục với sự dấn dấn thân của các phóng viên quả cảm, trách nhiệm.

1. Trước thông tin dự báo về cơn bão số 3 có cấp độ mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, từ ngày 05/9, lãnh đạo Đài THVN đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời thông tin, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó từ sớm, từ xa, làm tốt và đều cả 3 giai đoạn trước - trong - sau bão. Để phát huy sức mạnh tổng lực, ngay lập tức phương án tổ chức tác nghiệp theo mô hình liên đơn vị đã được VTV thiết lập. Hơn 20 nhóm phóng viên từ các đơn vị của VTV đã tham gia tác nghiệp hiện trường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội…Trong đó có nhiều người tác nghiệp liên tục 9 - 10 ngày tại các "điểm nóng". Mỗi ngày có hàng trăm lượt nhân sự tham gia biên tập, xử lý, phát sóng các bản tin đặc biệt, các bản tin thời sự, chương trình tin tức trên các kênh truyền hình và đăng tải các tin bài trên Báo điện tử VTV Online, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo, hệ thống mạng xã hội của Đài THVN.

bai 3 chuyen phong vien nha dai lao vao tam bao hinh 1

Nổi bật trong “cuộc chiến” với siêu bão Yagi, với tinh thần của những phóng viên thời sự khi đi vào những nơi là điểm nóng, các phóng viên của VTV đều mong muốn đưa được thông tin nhanh nhất, mới nhất để cho người dân biết được bão đang diễn biến ở đâu, như thế nào và chúng ta đang làm gì, để người dân có thể yên tâm vượt qua. Nữ phóng viên Tùng Thư (Ban Thời sự) tác nghiệp tại Cô Tô, Quảng Ninh là một trong các phóng viên VTV được phân công tác nghiệp tại các địa phương để cập nhật những thông tin nóng nhất về cơn bão số 3 gửi tới khán giả.

Trong 19 năm gắn bó với Đài THVN, phóng viên Tùng Thư dù đã từng tham gia đưa tin nhiều cơn bão nhưng Yagi là cơn bão khốc liệt nhất mà chị từng tác nghiệp. Chia sẻ về chuyến tác nghiệp bão Yagi vừa qua, Tùng Thư cho biết cơn bão số 3 là cơn bão lớn nhất kể từ khi Tùng Thư trở thành phóng viên của VTV và được tham gia đưa tin. Đảo Cô Tô là địa bàn mới mà cô chưa từng tác nghiệp, bên cạnh đó địa hình ngoài đảo khác với đất liền khi bốn bề đều bị chịu ảnh hưởng bởi cơn siêu bão nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn, Tùng Thư đã có những cách triển khai tin tức hiệu quả và an toàn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Tôi còn nhớ cảm giác chỉ trong vòng 15 phút thôi, bão đã tăng một cấp gió, đủ thấy bão quét qua đảo Cô Tô như thế nào. Khi bão đi qua là một khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Những cánh rừng xơ xác chỉ trong vài tiếng đồng hồ" - Tùng Thư chia sẻ.

Càng tích lũy nhiều kiến thức liên quan tới khí tượng, Tùng Thư càng khẳng định rằng phóng viên đưa tin trong thảm họa cần được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu để đưa tin tới khán giả chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. "Chúng ta không thể chống lại được thiên tai nhưng nếu biết cách ứng phó thì hậu quả sau đó khó có thể trở thành thảm họa" - chị chia sẻ.

2. Phóng viên Trường Sơn (Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số - VTV Digital) đã trải qua 9 ngày tác nghiệp liên tục trong tâm bão lũ (ngày 6/9 - 14/9) từ Quảng Ninh khi bão số 3 đổ bộ đến Lào Cai khi mưa lũ, sạt lở xảy ra. Anh kể lại thời điểm cơn bão quét qua Quảng Ninh, anh và đồng nghiệp vẫn đang trên đường di chuyển nên đành táp vào khoảng giữa hai toà nhà để tránh trú. Chiếc xe ô tô nặng khoảng 3 tấn nhưng đuôi xe liên tục bị nhấc lên cao và đập mạnh xuống mặt đất khiến anh vô cùng lo lắng.

Sau gần 2h đồng hồ ngồi trong xe đợi cơn bão dịu xuống, anh và đồng nghiệp mới có thể tìm đến nơi an toàn. Chia sẻ về những kĩ năng cần thiết khi tác nghiệp trong bão lũ, phóng viên Trường Sơn cho rằng phải giữ được sự an toàn cho tính mạng của mình và ê - kíp thì mới có thể truyền tải những thông tin nóng hổi nhất, mới nhất từ hiện trường đến với khán giả.

Phóng viên Trường Sơn khẳng định, anh cũng giống như rất nhiều nhà báo khác, luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để cập nhật những thông tin nóng nhất, mới nhất đến khán giả. Bởi những chính những hình ảnh ấy đã góp phần để mọi người cảm thông, chia sẻ với mất mát, đau thương của đồng bào từ đó có những hành động thiết thực.

3. Cũng tác nghiệp trong tâm bão ven biển Cẩm Phả, Quảng Ninh, BTV Quỳnh Hoa cũng cảm nhận rõ sự kinh hoàng và sức tàn phá của cơn bão này. Nữ MC, BTV viết: "Làm việc trong tâm bão và suốt 7 tiếng đồng hồ bị gió bão dữ dội kìm nhóm tác nghiệp ở ven biển Cẩm Phả, tôi lại càng hiểu rõ hơn sự nguy hiểm và khó lường của thiên tai. Dù cũng từng đi tác nghiệp thiên tai ở nhiều nơi nhưng tôi chưa từng chứng kiến cơn bão nào mạnh đến vậy. Ê-kíp và các đồng nghiệp ở hiện trường tại các địa phương đều đã cố gắng hết sức để phản ánh thông tin kịp thời đến khán giả".

bai 3 chuyen phong vien nha dai lao vao tam bao hinh 2

Quỳnh Hoa và đồng nghiệp ở trong một nhà tạm suốt 7 tiếng để ghi hình tại Quảng Ninh - nơi siêu bão Yagi quét qua (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cả đoàn ở trong một căn nhà tạm suốt 7 tiếng đồng hồ để ghi hình: Không ăn uống, không điện, không mạng… Song, ê-kíp vẫn cố gắng cập nhật từng giây, từng phút diễn biến cơn bão, tình hình ven biển để gửi các bản tin thời sự đặc biệt về bão Yagi với tần suất 1-2 tiếng/bản tin, thậm chí là 1 tiếng/bản tin.

Có thể nói, dấn thân vào nghề báo, các phóng viên VTV với lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết... Cùng với trách nhiệm, cùng với sứ mệnh phụng sự công chúng là những “trái tim nóng” đúng nghĩa với khát vọng mang đến những tin tức chân thật nhất, kịp thời nhất tới công chúng, lan toả những thông điệp ý nghĩa, hữu ích nhất. Với sự vào cuộc xung kích ấy đã góp phần không nhỏ nâng cao niềm tin của người làm báo trong lòng công chúng, người dân…

Sông Mây