Khai phá “mỏ vàng” du lịch từ văn hoá bản địa tại Lào Cai
Nỗ lực đa dạng hoá các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng, chú trọng khai phá “mỏ vàng” từ du lịch văn hoá bản địa đã và đang mang đến những kết quả ấn tượng cho du lịch Lào Cai, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tạo bản sắc riêng từ văn hóa truyền thống
Trên bản đồ du lịch các tỉnh phía Tây Bắc Tổ quốc, Lào Cai là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước. Lào Cai đẹp trong lòng du khách không chỉ bởi cảnh sắc, thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi truyền thống văn hoá dân tộc giàu bản sắc. Mảnh đất này là nơi hội tụ và sinh sống của 27 dân tộc anh em với những bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, trang phục rất riêng của mỗi dân tộc.
Theo mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai sẽ đón 10 triệu lượt khách du lịch. Để đạt mục tiêu đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Lào Cai đã xác định “tầm nhìn” và “khát vọng phát triển” xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình.

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được tỉnh Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển. Ảnh: Trọng Nhân
Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 54 di tích, di sản văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó có 22 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 32 di tích, danh thắng cấp tỉnh tạo nên những sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo và hấp dẫn; trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm.
Cùng với đó, Lào Cai có 39 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao... Trong đó, di sản “Kéo co nghi lễ dân tộc Tày, Giáy” nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm 4 nước: Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) và hồ sơ “Nghi lễ Then dân tộc Tày” nằm trong Hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các giá trị văn hóa phi vật thể được tỉnh Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển. Qua đó đã sưu tầm hàng nghìn hiện vật chủ yếu là trang phục, các công cụ, dụng cụ của 25 nhóm ngành dân tộc để tổ chức trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; bảo tồn, duy trì hơn 40 lễ hội dân gian, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách khám phá.
Hiện Lào Cai đã có trên 460 nhà nghỉ lưu trú tại gia (homestay) chủ yếu tập trung tại khu du lịch Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên. Đồng bào tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng đã có mức thu nhập bình quân 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm thông qua thu tiền lưu trú, ẩm thực và bán các mặt hàng thủ công truyền thống, tham gia hướng dẫn du lịch. Việc khám phá các bản làng văn hóa dân tộc trên các tour du lịch cộng đồng của du khách bằng đi bộ (Trekking), đi xe đạp là những tour du lịch đầy hấp dẫn.
Lào Cai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam xây dựng, áp dụng mô hình phát triển du lịch gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới. Năm 2024, “thủ phủ” lê Tai-nung của huyện Bát Xát là xã Nậm Pung đã lần đầu tiên tổ chức chương trình trải nghiệm hoa lê tại thôn Kin Chu Phìn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tái hiện lễ rước dâu của dân tộc Dao đỏ, lễ hội cầu mùa của dân tộc Hà Nhì, giới thiệu nông sản địa phương...
Điều ấn tượng nhất với khách du lịch là mỗi du khách có thể chọn mua những cây lê và “ủy quyền” cho chủ vườn chăm sóc đến khi thu hoạch quả. Cùng với sắc màu văn hóa chợ phiên, lễ hội truyền thống, ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, thì nông nghiệp đang được cấp ủy, chính quyền đưa vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai.
Vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá
Theo các chuyên gia, mặc dù Lào Cai có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú nhưng hiện nay việc khai thác nguồn tài nguyên này chưa thật sự hiệu quả, Lào Cai vẫn thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc. Bên cạnh sự nhàm chán, thiếu hấp dẫn của sản phẩm du lịch, thực trạng về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao, cũng là một điểm trừ trong sự lựa chọn của du khách trong nước và ngoài nước khi có ý định đến với Lào Cai. Nạn chèo kéo du khách vẫn còn tồn tại ở một số điểm du lịch.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch vẫn còn nhiều lo ngại. Ðội ngũ nhân lực làm du lịch Lào Cai chưa đồng bộ, chưa chuyên nghiệp, còn tồn tại tư duy làm du lịch theo mùa, thiếu tầm nhìn dài hạn ở không ít địa phương. Vấn đề xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng còn nhiều bất cập...Tất cả những yếu tố kể trên trở thành rào cản lớn khiến cho tỷ lệ khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày ở các điểm tham quan của Lào Cai còn khá khiêm tốn.
Rõ ràng đã đến lúc mỗi người, mỗi nhà cần thay đổi tu duy làm du lịch từ việc “cung cấp cái mình có” sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần. Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ phục vụ trực tiếp các dịch vụ du lịch, thì việc “đào tạo” cộng đồng dân cư văn minh, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ là vô cùng quan trọng. Ðặc biệt cần phát huy tính sáng tạo của người dân bản địa trong các hoạt động du lịch để không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Nhận thức này sẽ tránh được tác động tiêu cực, thậm chí làm biến dạng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, vốn là một trong những cơ sở quan trọng để sáng tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, thời gian tới, Lào Cai sẽ nâng cao vai trò của cộng đồng và cá nhân, sự quản lý của Nhà nước trong khai thác các giá trị văn hoá làm nguồn lực cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp văn hoá. Đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ và sử dụng văn hoá để phát triển du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; đầu tư, khai thác các di sản văn hoá để xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng mang thương hiệu quốc gia và vươn tầm quốc tế.
Tỉnh Lào Cai sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch cao cấp. Chú trọng đầu tư cho các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về văn hoá, thể thao gắn với du lịch. Ứng dụng hiệu quả những thành tựu đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 vào thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch. Tập trung tối đa nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn có năng lực, hiểu biết về văn hoá, du lịch để phát huy sức mạnh nội sinh, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút cho du lịch Lào Cai, trong đó du lịch chính là cầu nối để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản, văn hóa của miền đất này với bạn bè trong và ngoài nước. Vì thế, Lào Cai coi văn hoá vừa là nền tảng, vừa là động lực, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới tỉnh Lào Cai đang và sẽ tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh văn hóa, con người, tạo đà cho du lịch “cất cánh”, phát triển đột phá.
Đức Toàn