Kbang (Gia Lai): Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(CLO) Thời gian qua, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các mô hình trong khuôn khổ Dự án 8. Qua đó, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.
Dự án 8 do Hội LHPN Việt Nam chủ trì “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 – 2025 đang được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc.
Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS
Triển khai Dự án 8, Hội LHPN huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thành lập, nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình tổ Truyền thông cộng đồng (TTCĐ). Nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, tháng 10/2023.

Thành viên Tổ TTCĐ làng Kuk Tung, xã Tơ Tung, huyện Kbang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, định kiến giới trong cộng đồng.
Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ ) làng Kuk Tung (xã Tơ Tung, huyện Kbang) được thành lập, với 7 thành viên. Đây là những Người có uy tín trong cộng đồng, có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước truyền thông, phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình… giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng, ý thức tự bảo vệ, phòng tránh trước những cám dỗ, tệ nạn xã hội...

Cán bộ Hội LHPN huyện Kbang tập trung hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức trong cộng đồng tại các xã đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, các thành viên trong Tổ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em gái để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.
Anh Đinh Tái, Thành viên Tổ TTCĐ, làng Kuk Tung, xã Tơ Tung, huyện Kbang kể: Khi tham gia Tổ TTCĐ, tôi cùng các thành viên trong Tổ tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, xoá bỏ các hủ tục còn tồn tại trong làng như: không tảo hôn, không tự tử, động viên phụ nữ tham gia công tác xã hội để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Kbang được đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đối với các em học sinh DTTS ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (thuộc xã đặc biệt khó khăn Đăk Rong), đường từ nhà tới trường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn tồn tại những định kiến giới. Căn cứ vào tình hình thực tế, tháng 10/2023, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của nhà trường đã được thành lập.
CLB gồm 30 thành viên là học sinh DTTS; sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần và được lồng ghép sinh hoạt ngoại khoá giờ chào cờ thứ 2 hàng tuần xoay quanh các nội dung như: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng…

Các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (thuộc xã đặc biệt khó khăn) tích cực học tập và giúp nhau vươn lên trong học tập.
Em Đinh Thị Khu, Lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong chia sẻ: Tại các buổi sinh hoạt, chúng em được thảo luận, vẽ tranh, chia sẻ những vấn đề gặp trong cuộc sống với các chủ đề như bạo lực học đường, bình đẳng giới qua các hình thức thảo luận nhóm, tiểu phẩm. Từ đó, chúng em nắm vững kiến thức, tự tin thay đổi suy nghĩ của mình.

Tổ TTCĐ thị trấn Kbang tích cực truyền thông bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.
Nâng cao hiệu quả các mô hình truyền thông
Với đặc thù huyện có 12 xã/14 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, có 1 xã đặc biệt khó khăn; 33 thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN huyện Kbang đã tích cực triển khai Dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Đến năm 2024, Hội LHPN huyện đã thành lập 22 Tổ truyền thông cộng đồng với 159 thành viên; thành lập 8 Địa chỉ tin cậy tại 8 xã với hơn 200 thành viên; 2 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi với 60 thành viên.

Nhiều phụ nữ tại vùng khó huyện Kbang được tiếp cận các thông tin bổ ích góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày một tốt hơn khi có dự án 8 hỗ trợ.
Nhằm nâng cao năng lực triển khai cho các mô hình, câu lạc bộ thúc đẩy bình đẳng giới, Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ truyền thông cộng đồng cho 680 đại biểu tại 5 xã, thị trấn thực hiện Dự án 8.
Đồng thời, tổ chức 8 Hội nghị tập huấn hướng dẫn ra mắt và hoạt động Địa chỉ tin cậy và phổ biến các văn bản liên quan đến bạo lực gia đình với 400 đại biểu tham gia; Tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng cho 500 đại biểu…
Thông qua các buổi tập huấn, Hội LHPN huyện Kbang đã lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức về định kiến, khuôn mẫu giới, phân biệt đối xử về giới và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của các DTTS trên mạng xã hội, Facebook, Zalo, Fanpage, ... và thông qua sinh hoạt chi/ tổ Hội; Tổ chức chiến dịch truyền thông, truyền thông lồng ghép tuyên truyền phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại xã Kông Lơng Khơng.

Phụ nữ Bahnar xã Kông Bờ La, huyện Kbang thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà Đinh Thị Triết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian qua, với sự nỗ lực của Hội LHPN huyện cùng sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các cấp Hội LHPN trên địa bàn, đến nay Dự án 8 tại các địa phương đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân.
Thông qua công tác truyền thông, lớp tập huấn và hoạt động của các mô hình, bà con được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới. Đội ngũ cán bộ thôn, làng đã tiếp cận tốt các kiến thức, kỹ năng, tự tin, mạnh dạn trong công tác truyền thông. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân, chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang, tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.