Chuyển đổi số tạo động lực bứt phá cho miền núi Lào Cai trong thời kỳ mới

06/12/2024 13:30

(CLO) Chuyển đổi số đang nổi lên như những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt đối với các vùng nông thôn, miền núi, biên giới của Lào Cai.

Với tiềm năng lớn từ nông nghiệp, du lịch và giao thương, vùng biên giới, vùng cao  Lào Cai đang tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để vươn mình, không chỉ khắc phục hạn chế về địa lý mà còn tạo đà bứt phá mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế số quốc gia.

Những năm qua, Lào Cai đã phát triển mạnh hạ tầng mạng, phủ sóng 4G và 5G tại các khu vực trọng điểm như thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Lào Cai đã xây dựng một trung tâm dữ liệu tỉnh và một số nền tảng như kho dữ liệu số tỉnh (LGSP). Đây là một trong những điều kiện quan trọng để kinh tế số Lào Cai phát triển.

chuyen doi so tao dong luc but pha cho mien nui lao cai trong thoi ky moi hinh 1

Truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm mận Tam hoa Bắc Hà - Lào Cai Ảnh: Bùi Duyên

Lào Cai có cơ hội phát triển kinh tế số, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT và nông sản để kết nối với thị trường quốc tế, nhất là với các đối tác Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới. Các sản phẩm như mận Sa Pa, đào Bắc Hà, dược liệu đã được bán trên các sàn TMĐT lớn Shopee, Lazada, sàn TMĐT Lào Cai, giúp nông dân tiếp cận thị trường rộng lớn mà không cần qua trung gian. Đồng thời, người dân tại các xã vùng sâu, biên giới có thể bán hàng qua các nền tảng trực tuyến, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống; doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ có thể quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội và sàn TMĐT, tạo giá trị gia tăng từ du lịch.

Tỉnh đang sử dụng công nghệ số để quảng bá tiềm năng, dịch vụ du lịch tại các địa phương như Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai, giúp khách du lịch dễ dàng đặt đặt phòng, tour khám phá vùng cao hay trải nghiệm văn hóa dân tộc thông qua ứng dụng du lịch thông minh của Lào Cai, tích hợp với bản đồ số và đánh giá dịch vụ.

Cùng với đó, ứng dụng cảm biến IoT để giám sát đất, nước, thời tiết, giúp nâng cao năng suất trồng trọt tại các huyện như Bảo Thắng, Bát Xát. Hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng blockchain tăng uy tín sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Ứng dụng công nghệ quản lý kho và vận chuyển giúp đảm bảo hàng hóa (nông sản) được bảo quản tốt và vận chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ, kể cả thị trường quốc tế. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai rộng rãi tại các bệnh viện và trường học, trung tâm thương mại, chợ ở Lào Cai.

Kinh tế số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa giúp vùng núi, vùng nông thôn, biên giới Lào Cai khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của mình, vượt qua những rào cản về địa lý để kết nối mạnh mẽ với nền kinh tế trong nước và quốc tế. Kinh tế số giúp Lào Cai phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống của người dân.

Để thúc đẩy kinh tế số phát triển, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng phủ sóng Internet băng rộng đến tất cả các thôn, xã, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai mạng 5G tại các khu vực trọng điểm như Sa Pa, Lào Cai, các khu công nghiệp và các cửa khẩu quốc tế. Việc này giúp nâng cao tốc độ và khả năng kết nối cho các dịch vụ trực tuyến và thương mại điện tử.

Đầu tư vào trung tâm dữ liệu hiện đại để lưu trữ và xử lý dữ liệu khối lượng lớn phục vụ chính quyền số, doanh nghiệp và dịch vụ công. Trung tâm này cần phải kết nối với các hệ thống dữ liệu quốc gia và các trung tâm dữ liệu của các tỉnh khác để hỗ trợ việc chia sẻ thông tin và giao dịch điện tử.

Triển khai các dịch vụ công trực tuyến, chú trọng các dịch vụ y tế và giáo dục trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng ví điện tử và các phương thức thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ, bệnh viện, trường học. Cung cấp các hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển sang hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

Tạo điều kiện và hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã đăng ký và bán sản phẩm trực tuyến trên các sàn TMĐT. Triển khai chương trình tập huấn về TMĐT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, giúp họ làm quen với việc bán hàng trực tuyến và sử dụng thanh toán số.

Cung cấp các khóa học chuyên sâu về chuyển đổi số, quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin cho cán bộ nhà nước, đảm bảo tất cả cán bộ, công chức có kiến thức và kỹ năng để vận hành các hệ thống thông tin, xử lý dữ liệu điện tử trong công việc hằng ngày. Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số tại các trường học, trung tâm cộng đồng và cơ sở đào tạo nghề tại các huyện, xã. Mở khóa học online miễn phí về TMĐT, marketing số cho các hộ nông dân và các doanh nghiệp nhỏ tại tỉnh. Tổ chức các chương trình đào tạo miễn phí về kỹ năng sử dụng máy tính, Internet, thanh toán điện tử và các ứng dụng số cho người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các lớp học trực tuyến cho người dân về sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng TMĐT.

Phát động chiến dịch "Lào Cai thông minh" nhằm tuyên truyền và giáo dục người dân về ứng dụng của công nghệ số trong nông nghiệp, du lịch và đời sống hằng ngày. Sử dụng truyền hình, phát thanh, mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của kinh tế số, giúp họ hiểu rõ về các ứng dụng của công nghệ trong đời sống và kinh doanh.

Với sự quyết tâm của chính quyền, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng, kinh tế số chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng, đưa Lào Cai bứt phá trên hành trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Đức Toàn