Những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế từ tình trạng thuốc lá lậu gia tăng
Ngay sau Tết, vấn đề tăng thuế thuốc lá và thuốc lá lậu sẽ được tiếp tục bàn luận khi dự luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được xem xét tại các Kỳ họp của Quốc hội bên cạnh những dự luật khác. Theo các chuyên gia, những hậu quả về sức khỏe, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế là những hệ lụy có thể thấy được khi tăng thuế sốc ảnh hưởng đến tình hình thuốc lá lậu vốn đang phức tạp.
Hàng lậu tăng: Không chỉ là dịp Tết
Những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp gần kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp hơn với các mặt hàng nhập lậu từ Campuchia. Đáng chú ý là buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên các tuyến biên giới; mặt hàng vận chuyển chủ yếu là thuốc lá ngoại, pháo nổ, mỹ phẩm, đường cát, xăng dầu, các mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán 2025 và các sự kiện lớn của đất nước trên địa bàn, ngày 18/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công an TP. Sóc Trăng bắt quả tang đối tượng vận chuyển 25.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Những tháng cuối năm 2024 là minh chứng rõ nét cho sự phức tạp của vấn nạn thuốc lá lậu tại Việt Nam.
Và không chỉ dịp Tết, trước đó, đã có nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu với số lượng lớn đã bị phát hiện và xử lý. Điển hình là ngày 30/9/2024, lực lượng công an tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bắt quả tang một chiếc xe tải vận chuyển hơn 60.000 bao thuốc lá ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Tiếp đến vào ngày 19/11, Công an Tây Ninh phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng trong đường dây vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia vào Việt Nam, thu giữ 50.000 gói thuốc lá các loại. Đây là nhóm vận chuyển thuốc lá lậu lớn nhất từ trước đến nay mà Công an Tây Ninh triệt xóa.
Mặc dù hình phạt cho các hành vi liên quan đến thuốc lá lậu rất nặng, nhưng biên độ lợi nhuận khủng vẫn khiến tình trạng buôn lậu mặt hàng này liên tục tái diễn. Thêm một điều đáng lo ngại nữa là thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng được làm giả từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh trong nước, thất thu thuế Nhà nước và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế
Bên cạnh vấn đề thuốc lá lậu tràn lan dịp Tết, công tác phòng chống thuốc lá lậu thời gian này cũng đặt ra nhiều quan ngại với nhiều thách thức nhãn tiền.
Ở góc độ người tiêu dùng, thuốc lá lậu vẫn được sử dụng khá tràn lan vì mùi hương của chúng đậm và thơm lâu do dùng chất định hương. TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông lâm TP HCM từng giải thích: “Trong thuốc lá lậu Jet và Hero có chứa hàm lượng coumarin rất cao. Đây là loại chất độc hại, dùng trong thuốc diệt chuột và gây ra những tác hại nghiêm trọng đến gan, bàng quang, tim mạch, tăng nguy cơ ung thư và đã bị Bộ Y tế đưa vào danh sách chất cấm dùng trong thực phẩm. Nhiều người Việt vẫn vô tư sử dụng thuốc lá lậu thì chưa hiểu biết đúng tác hại nghiêm trọng của thành phần này.”
Coumarin là cái tên từ lâu đã bị giới khoa học gióng lên hồi chuông cảnh báo như một mối đe dọa đến sức khỏe con người. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA); Bộ Canh nông và Thực phẩm của Canada và Thái Lan đều đã cấm sử dụng coumarin trong thực phẩm từ rất sớm. Các bác sĩ của Khoa Nhi, Bệnh viện Nhi Beatrice, Đại học Y Groningen (Hà Lan) cũng đã từng đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy coumarin ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ em độ tuổi 5-17 và một số nghiên cứu khác cho thấy chất này sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh của thai nhi, gây ra hiện tượng tiền sản giật hoặc sảy thai ở phụ nữ.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có trên 850 triệu gói thuốc lá điếu nhập lậu được tiêu thụ ở Việt Nam, chiếm 20% tổng thị phần thuốc lá, trong đó 90% là Jet và Hero. Thuốc lá lậu không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tăng rủi ro sức khỏe cho người dân vì thuốc lá lậu không được kiểm soát chất lượng cũng như không tuân thủ bất kỳ một tiêu chuẩn nào về hàm lượng tar, nicotine cũng như các chất cấm không được dùng trong sản phẩm thuốc lá điếu.
Đứng ở góc độ kinh tế, mỗi năm Nhà nước thất thu thuế khoảng 6.000 tỷ đồng và làm “chảy” trên 200 triệu USD qua biên giới do hoạt động buôn lậu thuốc lá. Con số này do chính Cục Quản lý thị trường đưa ra và trở thành nỗi nhức nhối của một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam. Ở góc độ xã hội, việc lưu hành và buôn bán thuốc lá lậu trái phép tạo nên một hệ lụy xấu và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Cân nhắc kỹ lưỡng tăng thuế là cần thiết
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, ở khía cạnh kinh doanh thuốc lá, cũng cần sự quan tâm xác đáng để doanh nghiệp có thể an tâm kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số được Thủ tướng đề ra cùng với đó là kiểm soát hoạt động thuốc lá lậu.
Và một trong những vấn đề mà các bên quan tâm chính là xem xét lại việc tăng thuế sốc với thuốc lá - mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt - để đáp ứng được mục tiêu kể trên.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt không nên là công cụ quan trọng nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay môi trường. Việc tăng thuế đối với thuốc lá là cần thiết, nhưng cần xem xét phương pháp tính thuế sao cho hiệu quả. Ông phân tích theo lộ trình trước đây, thuế tăng 5% trong vòng 3 năm, doanh nghiệp thuốc lá và người dân liên quan đến sản xuất các mặt hàng này có thể đáp ứng được và có thể nói tạo nên một lộ trình phù hợp. Hiện nay, với đề xuất mới từ Bộ Tài chính, đó là phương pháp tính trên thuế suất 75% cộng với mức thuế tuyệt đối tăng cao hàng năm trong vòng 4 năm là mức tăng sốc, đặc biệt là phương án 2 với đề xuất tăng ngay 5.000 đồng/bao vào năm 2026.
Quy định này, theo ông An, dẫn đến giá thuốc lá tăng quá cao, sẽ kích thích cho buôn lậu, ảnh hưởng đến cả vấn đề an ninh, trật tự.
Từ góc độ của lực lượng trực tiếp đấu tranh với thuốc lá lậu, Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh tại hội thảo do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức cuối năm ngoái: “Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng”.
Bên cạnh cần có mức tăng và lộ trình tăng thuế phù hợp, các biện pháp đi kèm khác cũng cần thiết nhằm phòng chống thuốc lá lậu hiệu quả. Theo Thượng tá Thành, cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/ND-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.

Trước thực trạng thuốc lá nhập lậu gây ra thất thu ngân sách nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030 nhằm giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Theo ước tính mỗi năm thì việc thuốc lá nhập lậu đang chiếm khoảng 20% tỷ phần trong nước và ngân sách nhà nước thì thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng. Vậy nếu tình trạng mà tăng thuế diễn ra và thị trường nhập lậu có tăng lên thì Hiệp hội Việt Nam thuốc lá đang ước tính con số thất thu ngân sách có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng vào năm 2030.
Trước đó, tại buổi Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra”, ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề xuất, phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.
Từ những phân tích và ý kiến nêu trên có thể thấy, điều chỉnh tăng thuế một cách hợp lý, kết hợp với tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá thì mới có thể hài hòa các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, bảo gồm bảo đảm sức khỏe cho người dân, người tiêu dùng, tạo sinh kế bền vững cho người dân, doanh nghiệp và giúp Nhà nước thu ngân sách bền vững.