Dự án Chiếu sáng công cộng thông minh theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại TP Đà Lạt: Mô hình đầu tư cần được nhân rộng

18/02/2025 16:00

Mặc dù còn mới mẻ, chưa có địa phương nào áp dụng cho dự án chiếu sáng công cộng, đô thị thông minh nhưng với thành công hiện tại, dự án Chiếu sáng công cộng thông minh theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại TP Đà Lạt đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết bài toán đầu tư; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển bền vững.

Tháng 3/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã tiên phong thực hiện phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP) theo hình thức BLT (đầu tư - thuê dịch vụ - chuyển giao). Khi triển khai, tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt và nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do Dự án PPP/BLT còn quá mới mẻ, chưa có địa phương nào áp dụng cho dự án chiếu sáng công cộng, đô thị thông minh. Dự án PPP/BLT mới chỉ có hướng dẫn tại Nghị định số 63/2018/NĐ ngày 4/5/2018 của Chính phủ.

Nhưng hiện tại với sự thành công của dự án tại TP Đà Lạt đã khẳng định: Việc thay thế hệ thống chiếu sáng thông thường bằng giải pháp công nghệ đèn LED tiết kiệm điện, điều khiển bằng hệ thống phần mềm thông minh 4.0 với công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu chuẩn cao, thân thiện với môi trường, hiệu quả; đã góp phần tạo mỹ quan đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết bài toán đầu tư; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển bền vững.

Tổng quan về PPP/BLT ở nước ta

PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện Hợp đồng Dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia. Mục đích của đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội khi điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, đồng thời tận dụng được công nghệ mới, cách thức quản lý tiên tiến, nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân. PPP là phương thức hợp tác đầu tư mang lại lợi ích cho tất cả các bên vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân. PPP thể hiện một khuôn khổ có sự tham gia của khu vực tư nhân nhưng vẫn ghi nhận vai trò của Nhà nước đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ xã hội và thúc đẩy trong cải cách đầu tư công. PPP được hiểu là phương thức đầu tư trong đó khu vực công và khu vực tư trở thành đối tác thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để cung cấp dịch vụ công.

du an chieu sang cong cong thong minh theo phuong thuc doi tac cong tu ppp tai tp da lat mo hinh dau tu can duoc nhan rong hinh 1

Dự án Chiếu sáng công cộng thông minh theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại TP Đà Lạt đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết bài toán đầu tư

Sau khi áp dụng Nghị định số 63/2018/NĐ ngày 4/5/2018 của Chính phủ. Quốc hội tiếp tục ban hành và thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 vào ngày 18/6/2020, thời gian hiệu lực thi hành Luật từ ngày 1/1/2021. Sau đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14.

Đến Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa  XV ngày 29/11/2024 đã ban hành và thông qua Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều Luật, trong đó có sửa đổi và bổ sung một số điều Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) số 64/2020/QH14. Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025 “đã không còn hạn chế lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, khuyến khích áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công; bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu đối với các dự án PPP và đơn giản hóa thủ tục đầu tư”. Những thay đổi đó nhằm đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương; khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào những lĩnh vực mới, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tự chủ, thu hút đầu tư cho những dự án có quy mô nhỏ nhưng lại có tiềm năng phát triển cao; rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, giúp các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai ý tưởng và bắt đầu thực hiện dự án. Điều này không chỉ thúc đẩy dòng vốn đầu tư mà còn tạo ra nhiều cơ hội, kích thích tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

So với các hình thức đầu tư truyền thống, huy động vốn dựa trên ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn vay, nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài. Thực tế ngân sách huy động còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội... ngày một tăng cao. Vì thế việc thực hiện dự án theo hình thức đầu tư PPP sẽ giải quyết được vấn đề này, huy động được nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân. Nhà đầu tư với tiềm lực kinh tế, tài chính vững mạnh cùng với những đối tác ngân hàng thân thiết lâu năm, uy tín sẽ đảm bảo nguồn vốn ổn định trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Ở địa phương, với cơ chế thanh toán từ nguồn ngân sách đang chi thường xuyên hàng năm cho hệ thống chiếu sáng công cộng, nhà đầu tư hoàn vốn trên cơ sở chi phí tiết kiệm điện, chi phí quản lý vận hành và duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn LED nên đảm bảo ngân sách Nhà nước sẽ không phát sinh quá nhiều. Điều này phù hợp với Quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 10 Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28/09/2018 của Bộ Tài Chính: “Đối với nguồn chi thường xuyên thanh toán cho nhà đầu tư phải phù hợp với khả năng cân đối dự toán chi thường xuyên hằng năm của ngân sách nhà nước cho bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện Dự án PPP; không sử dụng để thanh toán chi phí đầu tư trong giai đoạn thực hiện (đầu tư) Dự án PPP”.

Cụ thể: Năm đầu tiên thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BLT ngay sau khi dịch vụ được cung cấp theo quy định tại hợp đồng dự án. Các năm tiếp theo, địa phương thanh toán cho nhà đầu tư theo giá trị thanh toán năm trước đó cộng với khoản tăng giá điện của nhà nước và theo tỷ lệ lạm phát trung bình sau khi quyết toán chi phí khoản ứng của năm đầu tiên được quy định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Sau thời gian thực hiện dự án, địa phương nhận được hệ thống chiếu sáng hiện đại trong trạng thái hoạt động tốt, tiết kiệm năng lượng.

PPP/BLT nhìn từ Dự án Chiếu sáng công cộng thông minh tại TP Đà Lạt

Đây là hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND TP Đà Lạt, nhận ủy quyền từ UBND tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư để xây dựng công trình hệ thống đèn LED chiếu sáng công cộng công nghệ cao, đồng thời hoàn thiện hệ thống điều khiển chiếu sáng công công thông minh 4.0. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở quản lý, vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; UBND TP Đà Lạt thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án theo các điều kiện quy định tại hợp đồng dự án. Hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án có trách nhiệm chuyển giao công trình đó cho UBND TP Đà Lạt.

du an chieu sang cong cong thong minh theo phuong thuc doi tac cong tu ppp tai tp da lat mo hinh dau tu can duoc nhan rong hinh 2

Bằng việc đầu tư, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh sẽ đánh dấu bước tiến mới trong việc tiết kiệm năng lượng.

Ngày 24/11/2020, UBND tỉnh Lâm có Quyết định số 2683/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và ủy quyền toàn bộ cho UBND TP Đà Lạt thực hiện các công việc tiếp theo cho đến khi hoàn thành dự án.

Do ảnh hưởng 2 năm dịch bệnh Covid -19 và nhiều lần thẩm tra, rà soát các quy trình, thủ tục đầu tư, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tham vấn, thương thảo nội dung hợp đồng dự án, ngày 17/4/2023, UBND TP Đà Lạt và Ban Quản Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Đà Lạt, cơ quan đã ký hợp đồng Dự án số 01/2023/HDDA – PPP- BLT với Nhà đầu tư - Công ty Cổ phần Slighting Việt Nam và Doanh nghiệp dự án – Công ty TNHH MTV Chiếu sáng đô thị Đà Lạt.

Dự án được triển khai ở toàn bộ 172 tuyến đường chính và 520 đường hẻm dân sinh của TP Đà Lạt và được phân thành 2 hạng mục chính đó là: Hạng mục thay thế hệ thống đèn hiện hữu và một số vật tư, thiết bị đi kèm, gồm: 9.333 bộ đèn các bộ đèn, bóng đèn hiện hữu thông thường sử dụng công nghệ cũ, không tiết kiệm điện bằng các bộ đèn LED hiện đại, đáp ứng được các quy chuẩn tiên tiến, tích hợp được hệ thống quản lý điều khiển thông minh; thay 225 tủ điện điều khiển chiếu ở toàn bộ các tuyến đường chính và đường hẻm dân sinh; Hạng mục xây dựng hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh, gồm: Thiết bị đầu cuối nối trực tiếp với bộ nguồn Led (Driver) và gắn trên từng bộ đèn đường LED và đèn pha LED; thiết bị phát tín hiệu điều khiển; thiết bị tại trung tâm điều khiển và giám sát hệ thống chiếu sáng cộng cộng thông minh.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 163.498.148.000 đồng, toàn bộ được lấy từ nguồn vốn của nhà đầu tư và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 73.498.148.000 đồng tương đương 44,95% tổng mức đầu tư của dự án. Nguồn vốn huy động 90 tỷ đồng, chiếm 55,05% tổng mức đầu tư của dự án, được huy động từ Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Sau thời gian triển khai thi công ngày 21/1/2025, dự án đã được UBND TP Đà Lạt ra Quyết định số 505/UBND-LN xác nhận hoàn thành đối với Dự án “Đầu tư, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng, tiên tiến trong quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng trên địa bàn TP Đà Lạt”. Trong đó, thời hạn đưa dự án vào hoạt động tính từ ngày 1/1/2025 và thời gian thực hiện hợp đồng là 19 năm.

Hiện trạng thực tế trước khi dự án được đầu tư, hệ thống chiếu sáng công cộng của TP Đà Lạt sử dụng nhiều chủng loại đèn chiếu sáng với công nghệ khác nhau: Bóng Sodium đã quá cũ, gây lãng phí điện năng; bóng Led không đồng bộ về chất lượng ánh sáng cũng như bộ đèn. Cùng với đó, công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng được giao cho một công ty nhà nước thực hiện. Do kinh phí ngân sách còn hạn hẹp nên hệ thống chiếu sáng công cộng ít được cải tạo, nâng cấp, chủ yếu là thực hiện việc hỏng đâu sửa đó, khắc phục sự cố để bảo đảm bóng sáng. Bằng việc đầu tư, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh sẽ đánh dấu bước tiến mới trong việc tiết kiệm năng lượng, tiên tiến trong quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng trên địa bàn TP Đà Lạt. Dự án chú trọng đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh bền vững. 

Với việc đầu tư dự án chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng công nghệ 4.0 sẽ đưa đến cho người dân cũng như diện mạo thành phố thêm hiện đại, tươi sáng, tạo điểm nhấn đô thị, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… góp phần xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 -2025.

Những lý do và giải pháp để nhân rộng mô hình

Thành phố thông minh hay đô thị thông minh là sự phát triển tất yếu, là nơi sử dụng công nghệ thông tin (IT) để người dân có chất lượng sống cao, kết nối toàn diện và hiệu quả. Thành phố thông minh bao gồm 2 lĩnh vực chính là “Hành chính thông minh” và “Hạ tầng thông minh”, trong đó hạng mục “Chiếu sáng công cộng, đô thị thông minh” là một phần tất yếu của hạng mục “Hạ tầng thông minh” trong thành phố thông minh.

du an chieu sang cong cong thong minh theo phuong thuc doi tac cong tu ppp tai tp da lat mo hinh dau tu can duoc nhan rong hinh 3

Dự án Chiếu sáng công cộng của TP Đà Lạt cho thấy nhiều lợi ích của đầu tư PPP so với đầu tư công.

Chiếu sáng thông minh là một phần không thể tách rời trong một thành phố thông minh và đây là xu thế trong thời đại công nghệ 4.0. Hệ thống chiếu sáng thông minh được nối Internet, mạng không dây và được sử dụng thông qua phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh để có thể điều khiển từ xa về thời gian và cường độ chiếu sáng. Các bộ đèn LED được kết nối không dây với nhau và được quản lý từ xa trên màn hình máy tính hoặc điện thoại di động, được lập trình sẵn thời gian bật/tắt, tăng/giảm sáng và các chức năng thông minh khác. Việc ứng dụng rộng rãi các hệ thống chiếu sáng thông minh sẽ tạo tiền đề phát triển đô thị thông minh và mang lại nhiều lợi ích. Như vậy, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh là một xu thế tất yếu mà mỗi một địa phương nên và cần thiết quan tâm đầu tư.

Từ mô hình Dự án Chiếu sáng công cộng của TP Đà Lạt cho thấy nhiều lợi ích của đầu tư PPP so với đầu tư công.

Thứ nhất: Nhà nước tận dụng được nguồn vốn và công nghệ của nhà đầu tư. Với hình thức đầu tư BLT, địa phương không bỏ vốn đầu tư ban đầu mà lại có hệ thống chiếu sáng hiện đại. Sau thời gian hợp đồng dự án, địa phương nhận bàn giao từ nhà đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh, qua đó giảm chi phí điện năng tiêu thụ và quản lý vận hành. Thông qua việc đầu tư này nhà đầu tư nộp thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Thứ hai: Được đầu tư toàn bộ một lần, đồng bộ toàn bộ hệ thống chiếu sáng, không bị manh mún. Do địa phương còn phải tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực quan trọng hơn như hạ tầng, y tế, giáo dục… nên không đủ hết nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống chiếu sáng đô thị, dẫn đến hệ thống bóng đèn sẽ không đồng bộ, chất lượng thấp, trong thời gian ngắn sẽ suy giảm độ sáng và thường xuyên phát sinh chi phí sửa chữa, bảo trì.

Thứ ba: Giảm áp lực, rủi ro cho cơ quan Nhà nước khi không cần thực hiện hết các công đoạn đầu tư. Giảm áp lực về nguồn vốn đầu tư công của địa phương, hiện đang còn thiếu để đầu tư cho các công trình phúc lợi quan trọng hơn. Đồng thời địa phương cũng được sử dụng dịch vụ ngay sau khi dự án hoàn thành, được tiếp nhận chuyển giao toàn bộ hệ thống từ nhà đầu tư ngay sau hợp đồng dự án kết thúc.

Thứ tư: Tận dụng được khả năng, nguồn lực của đơn vị hiện đã triển khai theo mô hình tương tự, cung cấp dịch vụ tương tự sẵn có, giảm thiểu thời gian nghiên cứu, giúp đưa hệ thống vào vận hành một cách nhanh chóng.

Thứ năm: Trách nhiệm được giao cho nhà đầu tư rất rõ ràng theo hợp đồng PPP. Địa phương sẽ không phải mất thời gian giao nhiệm vụ cho đơn vị quản lý vận hành, chuyển ngay trách nhiệm sang nhà đầu tư khi có sự cố đèn hỏng, đèn không sáng, dân phản ánh…Khi nhà đầu tư không phục vụ tốt thì địa phương dừng trả tiền thuê dịch vụ theo đúng cam kết của hợp đồng. Nhà đầu tư có trách nhiệm duy trì tối thiểu 95% số lượng đèn sáng liên tục, sửa chữa ngay trong vòng 24h... Sau khi hết hợp đồng sẽ bàn giao lại cho Nhà nước bằng 85% chất lượng mới ban đầu và có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn chuyển giao công nghệ và quy trình vận hành cho địa phương.

Thứ sáu: Vấn đề pháp lý được đảm bảo do nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư, nghiệm thu xong toàn bộ dự án, khi đó địa phương mới thanh toán tiền thuê dịch vụ. Còn khi địa phương đầu tư, xây dựng sẽ phải chịu những rủi ro trong suốt vòng đời dự án. Nhiều dự án trên thực tế gây ra những thiệt hại nhất định, làm cho dự án bị đội vốn, chậm tiến độ. Nhưng rủi ro pháp lý trong đầu tư PPP trước hết nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật và CQQLNNCTQ.

Với những ưu điểm vừa được phân tích như trên thì sự thành công của mô hình ở TP Đà Lạt là tiền đề cần được nhân rộng. Bởi Luật PPP hiện nay đã rất thông thoáng. Cùng với đó, năng lực của nhà đầu tư thời điểm này đã tốt hơn, chú trọng nhiều hơn về công nghệ, tài chính, sản xuất, thi công. Dự án nếu được nhân rộng sẽ thực sự mở ra những bước tiến lớn trong việc sở hữu sản phẩm công nghệ tiên tiến, góp phần tiết kiệm chi phí cho ngân sách địa phương, gián tiếp góp phần tiết kiệm tài nguyên nhiên liệu cho đất nước; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần làm địa phương văn minh hiện đại, phát triển cảnh quan đô thị. Dự án được triển khai nhân rộng cũng là động lực để doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển, áp dụng khoa học công nghệ vào đời sống, góp phần phát triển địa phương và đất nước.

PV