Ấn Độ không có nghĩa vụ phải tuân theo lệnh trừng phạt của phương Tây
(CLO) Ấn Độ khẳng định không có nghĩa vụ tuân theo lệnh trừng phạt Nga, khi EU nhập kỷ lục 17,8 triệu tấn LNG từ Moscow.
Ấn Độ không có bất kỳ nghĩa vụ nào trong việc tuân thủ các lệnh trừng phạt đơn phương chống Nga do phương Tây áp đặt, theo nhận định của ông Robinder Sachdev, Chủ tịch Viện Imagindia, trong cuộc trao đổi với hãng tin TASS.

Hình minh họa quốc kỳ Nga và Ấn Độ. Ảnh: Getty
“Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi trong tuần này, bà dự kiến sẽ tìm kiếm sự hợp tác của Ấn Độ trong việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, phản ứng từ phía Ấn Độ sẽ vẫn lịch sự nhưng kiên định. Ấn Độ tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Vì Liên Hợp Quốc chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga, nên Ấn Độ không có nghĩa vụ thực thi các hạn chế đơn phương do các quốc gia hay liên minh khác áp đặt”, ông Sachdev nhận định.
Ông nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục khẳng định lập trường ưu tiên lợi ích quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và an ninh năng lượng. “Cũng giống như châu Âu vẫn duy trì nhập khẩu các mặt hàng quan trọng từ Nga, Ấn Độ cũng đưa ra các quyết định độc lập dựa trên điều kiện thị trường và nhu cầu kinh tế của mình”, ông Sachdev nói thêm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng Ấn Độ có thể sẽ nhắc nhở phái đoàn EU rằng chính các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục giao thương với Nga bất chấp các tuyên bố cứng rắn về lệnh trừng phạt.
Cụ thể, theo số liệu, EU đã nhập khẩu mức kỷ lục 17,8 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong năm 2024. Ngoài ra, từ tháng 1 đến tháng 6/2024, EU cũng nhập 4,7 triệu tấn thép từ Nga, trong khi lượng phân bón Nga và Belarus mà EU mua vào tăng 65% so với năm 2023, đạt gần 3 triệu tấn.
“EU muốn duy trì sức ép đối với Nga liên quan đến xung đột Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc điều chỉnh lập trường và có thể giảm bớt hoặc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Khi Washington thay đổi quan điểm, EU tìm cách củng cố chiến lược của riêng mình nhằm chống lại Nga”, ông Sachdev phân tích.
“Phản ứng của Ấn Độ trước đề nghị của bà von der Leyen sẽ mang tính ngoại giao nhưng dứt khoát - tái khẳng định cam kết với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, duy trì quyền tự chủ chiến lược và thực hiện chính sách kinh tế độc lập”, ông kết luận.
Việt Hà (Theo TASS)