Các bên phản ứng trước việc ông Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine
(CLO) Mỹ đã quyết định tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, gây lo ngại về khả năng chiến đấu của Kiev trên chiến trường và dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc tranh cãi với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vào tuần trước, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước đồng minh.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal khẳng định quân đội nước này vẫn có đủ nguồn lực để duy trì chiến sự tại tiền tuyến với Nga. Ông nhấn mạnh Ukraine sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ qua mọi kênh ngoại giao một cách bình tĩnh.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko cảnh báo động thái này có thể khiến Ukraine rơi vào tình thế buộc phải chấp nhận yêu cầu của Nga. Ông cho rằng việc cắt viện trợ vào thời điểm này đồng nghĩa với việc hỗ trợ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ukraine sẽ không còn nhận được các lô viện trợ của Mỹ trong thời gian tới. Ảnh chụp màn hình
Thượng nghị sĩ Mỹ Jeanne Shaheen, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, chỉ trích quyết định của ông Trump, cho rằng điều này tạo cơ hội để Nga tăng cường tấn công Ukraine, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng nếu Mỹ thực sự ngừng viện trợ quân sự, đây sẽ là một tín hiệu khuyến khích chính quyền Kiev tham gia tiến trình hòa bình.
Ông Peskov khẳng định Washington là nhà cung cấp vũ khí chính cho cuộc chiến này và việc ngừng viện trợ sẽ là "đóng góp tốt nhất cho hòa bình". Ông cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của ông Trump về mong muốn chấm dứt xung đột, nhưng nhấn mạnh Nga sẽ theo dõi sát diễn biến thực tế.
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình: viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, cũng như tăng cường năng lực phòng thủ của châu Âu.
Cũng trên X, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định một Ukraine độc lập, thân phương Tây và có khả năng tự vệ sẽ giúp Ba Lan an toàn hơn. Ông cảnh báo tình hình chính trị ngày càng hỗn loạn và cho rằng bất kỳ ai nghi ngờ tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine đều đang gián tiếp giúp Nga.
Người phát ngôn Chính phủ Anh tuyên bố London vẫn cam kết đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine và sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để hỗ trợ quốc gia này.
Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp Benjamin Haddad bày tỏ lo ngại việc đình chỉ viện trợ vũ khí có thể khiến hòa bình trở nên xa vời hơn, vì điều này chỉ làm tăng thêm sức mạnh của Nga trên chiến trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trel Lund Poulsen lưu ý rằng Ukraine phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều hệ thống vũ khí quan trọng, bao gồm cả tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot. Ông nhấn mạnh châu Âu cần hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.
Thủ tướng CH Séc Petr Fiala, trên X, khẳng định châu Âu phải tự đảm bảo an ninh của mình, điều này đòi hỏi đầu tư lớn hơn vào quốc phòng và gia tăng hỗ trợ cho Ukraine.
Người phát ngôn Chính phủ Hungary bày tỏ sự đồng thuận với lập trường của ông Trump, nhấn mạnh rằng thay vì tiếp tục viện trợ vũ khí và kéo dài xung đột, cần thúc đẩy ngừng bắn và đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.
Hoài Phương (theo Reuters, TASS)