Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian số: Trận địa sống còn của Báo chí Cách mạng

20/03/2025 09:01

(NB&CL) Báo chí Cách mạng tròn 100 năm tuổi cũng là lúc đất nước chuyển động mạnh mẽ vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong bối cảnh ấy, như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với Báo chí Cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”. Trong những yêu cầu, nhiệm vụ mới ấy, chắc chắn không thể thiếu trọng trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

1. Ngày 9/11/2024, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Khắc Đức (sinh năm 1995, ngụ tại quận 7) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trước đó, Đức bị Công an TP.HCM phát hiện tham gia tổ chức phản động lưu vong “Tập hợp dân chủ đa nguyên” và đã làm việc, khuyến cáo, răn đe nhiều lần.

Tuy nhiên, Đức vẫn tiếp tục liên lạc, nhận sự chỉ đạo từ một số đối tượng cầm đầu tổ chức này. Sau đó, Đức tiến hành nhiều hoạt động như quản trị các trang mạng phản động; soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống phá, phản động, xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh; đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt, xâm phạm danh dự, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những ngày qua, dư luận ồn ào, bất bình trước tình trạng người nổi tiếng, KOL, KOC livestream bán hàng tràn lan, khó kiểm soát. Nhưng nói tới các KOL không chỉ có chuyện livestream bán hàng thiếu trung thực. Cơ quan điều tra thời gian qua đã ghi nhận tình trạng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đang lợi dụng MXH để xây dựng một thế lực ảo - các KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng.

Thực chất các KOL này là tay sai, những “con rối”, “lính đánh thuê” trên không gian mạng của các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong nước ngoài, của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Đơn cử đối tượng Trương Quốc Huy - một KOL thù địch, phản động cộm cán sở hữu kênh YouTube N10TV với 1,54 triệu người đăng ký; đã xuất bản 4.008 video có thông tin sai trái, thù địch; có tổng hơn 1,2 tỷ lượt xem; trang cá nhân Facebook; trang TikTok với lượng người theo dõi lớn, Trương Quốc Huy thường xuyên phát tán thông tin sai trái, thù địch, phản động rộng rãi trong cộng đồng mạng.

bao ve nen tang tu tuong tren khong gian so tran dia song con cua bao chi cach mang hinh 1

2. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 vào ngày 28/11/2024 cho biết, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới khoảng 203 triệu tài khoản. Theo thống kê từ báo cáo thường niên WeAreSocial Digital 2024, riêng Việt Nam có 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội với thời gian trung bình mỗi ngày là 2 giờ 25 phút thuộc top 20 trên thế giới. Đặc biệt giới trẻ tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội trung bình 7 giờ mỗi ngày, khá cao trên khu vực và thế giới.

Những con số thống kê ấy cho thấy mạng xã hội, thế giới ảo đã, đang có tác động sâu rộng như thế nào đến người dùng Việt Nam. “Mạng xã hội đang trở thành những thế lực quyền lực tiềm ẩn đối với đời sống tư tưởng của hàng triệu con người Việt Nam ở trong và ngoài nước” - Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã nhấn mạnh.

3. Trước sự xâm lấn tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống người Việt, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng chia sẻ rằng, trong bối cảnh dư luận xã hội chưa thực sự đủ mạnh để những lên án, tẩy chay có sức nặng nhất định; ngoài tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cần có thêm nhiều lớp bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội.  Trong nhiều lớp bảo vệ ấy, thiết nghĩ có báo chí với nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng dư luận.

Tại Hội thảo quốc gia “Công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cũng đã đặt vấn đề: “Công tác tư tưởng sẽ phải làm gì để bảo vệ tư tưởng của Đảng trong thế giới ảo do con người và trí tuệ nhân tạo tạo nên. Phải làm gì để tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho những công dân số”. Nói tới công tác tư tưởng không thể không nói với vai trò trách nhiệm của báo chí.

Rõ ràng, thời đại số, xã hội số với những công dân số, cần hơn nữa sự tiên phong, bản lĩnh và năng lực của báo chí trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí phải làm chủ được trận địa tư tưởng trên không gian số.

Nhưng giữa “phải” và “làm được” là một khoảng cách rất dài nếu những người làm báo, những cơ quan báo chí không hội đủ cho mình cả tâm và tầm, cả bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ cùng nguồn lực.

Còn nhớ, trong một chia sẻ cùng Báo Nhà báo và Công luận, nhà báo Đỗ Phú Thọ - cây bút kì cựu đã từng giành giải A tại Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch từng cho biết: để nâng cao được hiệu quả trong công tác này, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải xác định được tầm quan trọng, nếu lãnh đạo không thay đổi được nhận thức sẽ khó chỉ đạo được phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Phóng viên không có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo báo thì người viết cũng rất khó vượt qua được thử thách “khó, khô, khổ” để đầu tư làm các bài viết về vấn đề này.

bao ve nen tang tu tuong tren khong gian so tran dia song con cua bao chi cach mang hinh 2

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng báo chí cần phải đầu tư vào công nghệ truyền thông hiện đại để nâng cao khả năng theo dõi và phân tích thông tin, tạo ra các mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan báo chí, các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan chức năng, từ đó hình thành “trận địa” thông tin vững chắc chống lại các quan điểm sai trái và thù địch. Để có thể làm được điều đó, ông Dương cũng kiến nghị xây dựng cơ chế tài chính hợp lý cho báo chí, giúp báo chí có nguồn lực ổn định để thực hiện nhiệm vụ.

Làm chủ trận địa tư tưởng là một trong những sứ mệnh lớn của Báo chí Cách mạng khi đất nước bước vào kỷ nguyên số. Và để làm tốt được sứ mệnh ấy, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, năng lực, bản lĩnh nhiều hơn nữa của những người làm báo, cơ quan báo chí và cả những cơ sở đào tạo báo chí. Có tạo dựng được đội ngũ người làm báo có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng làm báo, có chiều sâu tư duy, có tầm nhìn rộng, có khả năng nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, có văn phong và bút pháp tốt để có những bài viết sâu sắc, có sức thuyết phục, làm sáng tỏ và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, lúc đó, Báo chí Cách mạng mới có thể làm chủ trận địa sống còn này trong cuộc tấn công không ngừng của mạng xã hội.

Nguyễn Hà