Thế giới vừa trải qua thập kỷ nóng nhất

20/03/2025 15:30

(CLO) Báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận 10 năm qua là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận, với năm 2024 tiếp tục lập kỷ lục mới.

Báo cáo cho thấy các khí như carbon dioxide, metan và nitơ oxit trong khí quyển hiện đang ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua. Mức tăng này được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiệt độ toàn cầu tăng cao, cùng với tác động ngắn hạn của hiện tượng El Niño, tạo ra điều kiện thời tiết nóng hơn ở vùng phía đông Thái Bình Dương.

the gioi vua trai qua thap ky nong nhat hinh 1

Cháy rừng ở Tasmania, Úc. Ảnh: Unsplash

Báo cáo cũng chỉ ra rằng năm 2024 có khả năng là lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một ngưỡng quan trọng theo Thỏa thuận Paris. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định vẫn có thể kiểm soát mức tăng nhiệt độ, nhưng điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo hành động quyết liệt ngay lập tức.

Nhiệt độ đại dương cũng lập kỷ lục suốt 8 năm liên tiếp, với tốc độ ấm lên gấp đôi so với giai đoạn 1950 - 2005. Nước biển ấm hơn gây ra hiện tượng tẩy trắng rạn san hô, bão mạnh hơn và băng tan nhanh hơn. Mực nước biển hiện đang dâng với tốc độ gấp đôi so với ba thập kỷ trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng ven biển. Từ năm 2021 đến nay, thế giới chứng kiến mức suy giảm băng sông lớn nhất trong lịch sử đo đạc.

Năm 2024 cũng ghi nhận số người phải di dời vì thảm họa khí hậu cao nhất trong 16 năm qua, với hơn 36 triệu người mất nhà cửa do bão, lũ lụt và hạn hán. Những đợt nắng nóng khắc nghiệt, như tại Ả Rập Xê Út với mức nhiệt 50 độ C trong kỳ hành hương Hajj, tiếp tục tàn phá nhiều khu vực trên thế giới. Hệ thống cảnh báo sớm có thể giúp giảm thiểu tác động, nhưng hiện tại, chỉ một nửa số quốc gia trên thế giới có hệ thống này đầy đủ.

Giới khoa học thất vọng khi những cảnh báo khẩn cấp liên tục bị phớt lờ. Giáo sư Sarah Perkins-Kirkpatrick tại Đại học Quốc gia Úc nhấn mạnh rằng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 không còn đủ nữa, mà thế giới cần hành động mạnh mẽ hơn.

Linden Ashcroft, chuyên gia khí hậu tại Đại học Melbourne, thậm chí tỏ ra bất lực khi các phát hiện của khoa học không được lắng nghe: "Tôi có cần nhảy trên TikTok để mọi người chú ý không?", ông nói. 

Khi nhiệt độ tiếp tục tăng và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, câu hỏi đặt ra là liệu thế giới có chịu hành động trước khi quá muộn.

Ngọc Ánh (theo WMO, CNN, NYT)