Tạo hành lang pháp lý tốt nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân

21/03/2025 19:24

(CLO) Tiếp tục hoạt động khảo sát phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngày 21/3, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã khảo sát thực tế, làm việc với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).

Theo báo cáo của Tập đoàn VNPT, do đặc thù của VNPT là một doanh nghiệp lớn với nhiều đơn vị trực thuộc và công ty con, vì vậy, để hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân phát huy hiệu quả trên toàn Tập đoàn, VNPT đã quy định bộ phận bảo vệ dữ liệu cá nhân của VNPT được xây dựng ở cả hai cấp là cấp Tập đoàn và cấp đơn vị. VNPT đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến Nghị định 13/2023/NĐ-CP dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến từng người lao động, từng đơn vị, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đại diện Tập đoàn cũng cho rằng, mặc dù Nghị định 13/2023 đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, trên thực tế VNPT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân như: Khó khăn trong việc đáp ứng thời hạn xóa dữ liệu theo quy định của pháp luật; Khó khăn trong việc ngừng xử lý dữ liệu khi chủ thể dữ liệu rút lại sự đồng ý; Khó khăn trong việc thực thi quyền của chủ thể dữ liệu. Vì vậy, Tập đoàn VNPT kiến nghị pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần có quy định về khoảng thời gian hợp lý hơn (từ 3 tháng 6 tháng) để xóa dữ liệu cá nhân của khách hàng.

tao hanh lang phap ly tot nhat ve bao ve du lieu ca nhan hinh 1

Đoàn khảo sát tham quan Trung tâm An toàn thông tin của Tập đoàn VNPT.

Ngoài ra, Tập đoàn VNPT cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu xây dựng quy định theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Tập đoàn VNPT đề xuất cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm danh tính công dân; xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về phi cá nhân hóa dữ liệu số để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên dữ liệu hoặc xem xét nhấn mạnh nguyên tắc chung trong việc sử dụng dữ liệu phi cá nhân để kinh doanh, phục vụ lợi ích cho đất nước, cho xã hội.

Về thực thi quyền của chủ thể dữ liệu, Khoản 5 Điều 8 dự thảo Luật quy định quyền của chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình. Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền xóa dữ liệu cá nhân trong công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một rào cản lớn. Vì vậy, VNPT đề nghị cần xem xét quy định đảm bảo quyền xóa dữ liệu của chủ thể dữ liệu ngoại trừ công nghệ blockchain. Ngoài ra, VNPT cũng kiến nghị bổ sung nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu thông báo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự thay đổi thông tin để đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật đầy đủ, chính xác.

tao hanh lang phap ly tot nhat ve bao ve du lieu ca nhan hinh 2

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại - Trưởng đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng, hiện nay thông tin cá nhân được thu thập thành tệp dữ liệu nên nguy cơ lộ lọt, ảnh hưởng đến rất nhiều cá nhân nếu không có các quy định và biện pháp bảo vệ chặt chẽ. Đoàn khảo sát mong muốn Tập đoàn đề xuất thêm các quy định về pháp lý, các giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hành vi xâm phạm hệ thống dữ liệu, lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến quyền cá nhân.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Tập đoàn bổ sung ý kiến về các quy định cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân; chuyển dữ liệu cá nhân của công dân ra nước ngoài. Có ý kiến đề nghị Tập đoàn làm rõ các giải pháp về chống tấn công, lộ lọt dữ liệu để bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của người sử dụng mạng viễn thông; điều kiện quy định đối với nhân sự bảo đảm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

tao hanh lang phap ly tot nhat ve bao ve du lieu ca nhan hinh 3

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Dương Thành Long phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho rằng, trong giai đoạn phát triển chuyển đố số và kinh tế số, vai trò của đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông là rất quan trọng, trong đó có vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam là đơn vị có nhiều khách hàng truyền thống, lâu đời, là đơn vị có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia. Chính vì vậy, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân lựa chọn, làm việc với Tập đoàn, mong muốn lắng nghe, trao đổi để hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng nêu rõ, hệ thống dữ liệu được tích hợp bởi các thông tin dữ liệu cá nhân, tổ chức đơn lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân diễn ra khá phổ biến, điển hình như vấn đề sim rác, đặt ra yêu cầu cần có các quy định chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cả về hàng lang pháp lý và hàng rào kỹ thuật. Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được nâng lên từ Nghị định 13/2023 để tạo hành lang pháp lý tốt nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

tao hanh lang phap ly tot nhat ve bao ve du lieu ca nhan hinh 4

Quang cảnh cuộc làm việc.

“Mục đích của luật này là để tất cả các cá nhân, công dân Việt Nam, kể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi đều được bảo vệ tốt nhất các thông tin cá nhân, bao gồm cả thông tin nhạy cảm và thông tin cơ bản. Vì vậy trách nhiệm của chúng ta là làm như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất việc lộ lọt thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến người dân”, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nêu rõ.

Trên cơ sở buổi làm việc, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị Tập đoàn VNPT tiếp tục nghiên cứu dự thảo Luật và các dự thảo văn bản quy định dưới luật để bổ sung thêm các ý kiến, kiến nghị, báo cáo gửi Đoàn khảo sát, từ đó làm căn cứ thực tiễn để Đoàn tổng hợp, nghiên cứu phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Nguyễn Hường