Trung tâm khởi nghiệp TP HCM: 'Hầu như mấy bạn nhỏ không biết kỹ thuật'
(CLO) Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố khảo sát hàng trăm doanh nghiệp, trước thực trạng thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong năm 2024.
Báo cáo này cho hay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn và chương trình hỗ trợ từ Nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh rằng họ không nhận được hỗ trợ tài chính hoặc các chương trình đào tạo về quản trị DN như mong đợi.

Nhiều doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ tài chính hoặc các chương trình đào tạo về quản trị DN như mong đợi. (Ảnh: Chinhphu)
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2021) chỉ ra rằng: Tại Việt Nam, chỉ 22% DNNVV được tiếp cận với các nguồn tài trợ hoặc chính sách hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, trong khi tỷ lệ này tại các quốc gia phát triển cao hơn nhiều.
“Điều này cho thấy cần có thêm các biện pháp chính sách tài chính phù hợp để tạo điều kiện cho DN nhỏ khởi nghiệp và phát triển bền vững”, báo cáo Ban IV nêu.
Báo cáo này chỉ ra rõ, hộ kinh doanh tại TP HCM đối mặt với tình trạng hành lang pháp lý chưa rõ ràng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. DN nhỏ trong nước bị bất lợi so với các chủ thể kinh doanh hàng hóa từ Trung Quốc do họ không phải chịu thuế cho đơn hàng nhỏ.
Trong khi đó, DN lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại TP HCM đối mặt với tính trạng thiếu cơ chế hỗ trợ vốn phát triển công nghệ và tiếp cận đối tác triển khai thị trường; Thiếu đào tạo quản trị và đánh giá khả thi dự án; Công nghệ áp dụng vào thị trường còn nhiều rào cản và rủi ro pháp lý.
Đồng thời, hiện chưa có cơ chế “sandbox” để thử nghiệm ý tưởng mới. DN có vốn nước ngoài phải hơn 1 năm mới hoàn thành xong thủ tục.
Tương tự, DN kinh doanh thiết bị giám sát, thiết bị điện tử, viễn thông tại Bình Phước không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ DN mới, cũng như hỗ trợ nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Đối với DN dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tại TP HCM, nhất là DN vừa và nhỏ tiếp cận thông tin của nhà nước rất hạn chế.
Đặc biệt, Ban IV cho biết, TP HCM có trung tâm start-up (khởi nghiệp), thế nhưng nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tại TP HCM phản ánh mặc dù có nhưng không giúp gì được.
“Mail đến hỏi về lĩnh vực pin mà có hỗ trợ được gì đâu, hầu như mấy bạn nhỏ không biết kỹ thuật”, báo cáo Ban IV nêu.