Kỳ 6: 5 hướng đồng loạt tiến công, áp sát nội đô Sài Gòn
(NB&CL) Những ngày cuối cùng của tháng 4 cách đây tròn nửa thế kỷ, với khí thế “vẽ bản đồ không kịp bước quân đi!”, “vừa đi vừa đánh, tiến mà đánh, đánh mà tiến”, các quân đoàn chủ lực của ta từ 5 hướng đã đồng loạt tiến công, quyết hạ 5 mục tiêu chủ yếu là những cơ quan đầu não quan trọng nhất của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Bài liên quan
Kỳ 1: Chớp thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược Tổng tiến công
Kỳ 2: Chiến dịch Tây Nguyên - Đòn chiến lược mở đầu
Kỳ 3: Chiến dịch Huế - Đà Nẵng: Tạo thế trận mới để giải phóng miền Nam
Kỳ 4: Bức điện mật của Đại tướng và quyết tâm kết thúc cuộc chiến
Kỳ 5: “Tốc chiến, tốc thắng” cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng
5 mục tiêu chiến lược
Ngày 25/4/1975, các đoàn quân của ta tiến vào các điểm tập kết bao vây Sài Gòn theo quyết định của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Từng binh đoàn xuất phát từ nhiều địa bàn và những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường và bằng nhiều phương tiện nhưng tất cả đều hành quân về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Có đơn vị vừa đi vừa đánh địch để mở đường, có đơn vị vượt cung tăng trạm; tất cả đều thi đua tiến nhanh về Sài Gòn.
Nhiệm vụ của 5 cánh quân chủ lực đánh chiếm 5 mục tiêu chủ yếu là những cơ quan đầu não quan trọng nhất của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn - vốn là những bộ phận chính trong guồng máy chiến tranh và kìm kẹp nhân dân miền Nam, do Mỹ điều khiển, bao gồm: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát. Cụ thể, hướng Tây Bắc do Quân đoàn 3 đảm nhiệm, mục tiêu nội đô: sân bay Tân Sơn Nhất. Hướng Bắc - Đông Bắc do Quân đoàn 1 đảm nhiệm, mục tiêu nội đô: Bộ Tổng Tham mưu. Hướng Đông và Đông Nam do Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 đảm nhiệm, mục tiêu nội đô: Dinh Độc Lập.
Hướng Tây - Tây Nam do Binh đoàn cánh Tây Nam đảm nhiệm, mục tiêu nội đô: Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Cũng tại hướng Tây Nam nay, đoàn quân do đích thân đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy không chỉ thực hiện nhiệm vụ tiến chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô mà còn thực hiện nhiệm vụ - cắt đứt đường 4 (ở Bến Lức, ngã 3 Trung Lương) chiếm Tân An, Mỹ Tho để chia cắt hoàn toàn Sài Gòn với miền Tây Nam bộ, không cho quân ngụy ở Sài Gòn rút về đồng bằng sông Cửu Long, đập tan kế hoạch “tử thủ” tại Quân khu 4 của quân đội VNCH.

Phi công Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Thành Trung (từ phải qua trái) sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975. Ảnh: TTXVN.
Đồng loạt tấn công 5 hướng mở màn chiến dịch
Sáng ngày 26/4/1975, bộ phận tiền phương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển xuống Căm Xe, phía bắc Dầu Tiếng. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc tiến công trên hướng Đông Nam mở màn cho chiến dịch. Pháo binh của Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đồng loạt nổ súng trút bão lửa vào Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, Ðức Thạnh, Bà Rịa... tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng khẩn trương vận động chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong.
Từ 5 hướng, các binh đoàn đồng loạt tiến công phá vỡ từng mắt xích phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, khống chế các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc, các trận địa pháo, cắt đứt đường số 4 và tất cả hành lang giao thông thủy bộ ra biển, thực hành vây ép Sài Gòn trên tất cả các hướng, tạo điều kiện cho bước phát triển tiến công tiếp theo. Phối hợp tác chiến với các binh đoàn chủ lực trên hướng Đông và Đông Nam, các đơn vị bộ đội chủ lực Miền bao gồm đặc công, biệt động được du kích ven đô hỗ trợ, cũng chủ động đánh chiếm các mục tiêu quan trọng theo kế hoạch.
Ngay trong đêm 26/4, Sư đoàn 304 nhanh chóng chiếm được trường huấn luyện thiết giáp.
Cùng ngày 26/4, Tư lệnh Quân đoàn 4 ngụy Nguyễn Khoa Nam họp với các tướng tá thuộc quyền củng cố quyết tâm cố thủ đồng bằng sông Cửu Long một khi Sài Gòn thất thủ. Tại Sài Gòn, “Quốc hội” bỏ phiếu giao cho Trần Văn Hương tùy quyền quyết định trao ghế tổng thống cho nhân vật có thể mở cuộc thương thuyết. Nguyễn Cao Kỳ lên tiếng chửi Thiệu - Khiêm và hô hào “chiến đấu tới cùng”. Đêm 26/4, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm lên máy bay trốn khỏi Sài Gòn.

Lược đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.
Cùng ngày 26/4, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền gửi thư động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ:... “Trận quyết chiến chiến lược lịch sử giành thắng lợi cuối cùng của dân tộc bắt đầu. Toàn thể các đơn vị lực lượng vũ trang giải phóng có trách nhiệm dốc toàn lực tiến công, giải phóng quê hương, khu căn cứ của mình đồng thời có trách nhiệm phối hợp chặt tạo điều kiện cho mặt trận Sài Gòn - Gia Ðịnh giành thắng lợi hoàn toàn”...
Bước sang ngày thứ hai của Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm cánh quân của ta đã tiêu diệt được nhiều chủ lực của địch, đánh chiếm và làm chủ nhiều căn cứ quan trọng, bao vây cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi để thực hành tổng tiến công vào nội đô. Tới ngày 28/4/1975, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự chống cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược.
Chiều ngày 28/4/1975, một biên đội không quân gồm 5 chiếc máy bay A37 cất cánh từ sân bay Thành Sơn, Phan Rang bất ngờ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy một số máy bay, trong đó có một số máy bay Mỹ đang làm nhiệm vụ di tản, đẩy địch đến cơn hoảng loạn mới. Cũng chiều hôm đó, Trần Văn Hương từ chức, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh lên thay, hầu hết lực lượng địch tại Sài Gòn ở trong tình trạng hoảng loạn chưa từng có. Các tướng lĩnh và ngụy quyền cao cấp bắt đầu tháo chạy ra nước ngoài. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 của ngụy ở Biên Hòa đã tan rã.
Tối 28/4/19775, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn họp đánh giá tình hình trên toàn mặt trận, bàn cách đánh sao cho thật nhanh, chắc thắng, đập tan ngay hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền đồng thời phải bảo đảm thành phố ít bị tàn phá, nhân dân thành phố ít bị thiệt hại về người và của. Cuối cuộc họp, Đại tướng - Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng ra lệnh: “Tổng công kích trên toàn mặt trận vào 5 giờ sáng ngày 29/4/1975”.
Hà Anh