8 lý do pin xe hơi chết và cách phòng tránh

04/04/2025 10:09

(CLO) Chỉ trong 4 năm, ắc quy có thể suy giảm nghiêm trọng, khiến xe khó khởi động - đâu là giải pháp?

Chiếc ô tô hiện đại là một thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc mà hầu hết chúng ta sử dụng hằng ngày nhưng lại ít khi để ý đến. Tuy nhiên, chỉ cần một lần xe không nổ máy, cuộc sống có thể bị đảo lộn đáng kể.

8 ly do pin xe hoi chet va cach phong tranh hinh 1

Hình ảnh ắc quy xe đang được thay mới. Ảnh: Getty

Một trong những sự cố phổ biến nhất mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải chính là ắc quy chết. May mắn thay, vấn đề này thường có thể khắc phục nhanh chóng bằng cách kích điện. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân khiến ắc quy hết điện là điều quan trọng để tránh sự cố lặp lại, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm lái xe.

Hệ thống sạc của xe hơi tương đối đơn giản, gồm một số bộ phận chính như máy phát điện (alternator) - bộ phận tạo ra dòng điện nhờ động cơ và cung cấp năng lượng cho ắc quy. Khi mọi thứ hoạt động bình thường, ắc quy sẽ liên tục được sạc trong suốt thời gian động cơ vận hành.

Tuy nhiên, bất kỳ sự gián đoạn nào trong chu trình này cũng có thể dẫn đến tình trạng ắc quy cạn kiệt. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến khiến ắc quy xe hơi chết và cách phòng tránh.

1. Ắc quy quá cũ 

Ắc quy ô tô hiện nay chủ yếu là loại chì-axit, với tuổi thọ trung bình khoảng 4 năm. Theo thời gian, cặn lưu huỳnh sẽ tích tụ trên các bản cực bên trong, làm cản trở dòng điện và giảm khả năng tích điện của ắc quy. Khi một hoặc nhiều tế bào bên trong bị suy yếu, điện áp tổng thể giảm xuống, ảnh hưởng đến khả năng khởi động động cơ.

Để kiểm tra tình trạng ắc quy, người dùng có thể mang xe đến các cửa hàng phụ tùng ô tô để đo điện áp dưới tải. Điều này giúp đánh giá chính xác hiệu suất thực tế của ắc quy, thay vì chỉ nhìn vào điện áp hiển thị trên đồng hồ đo. Nếu xe thường xuyên phải kích điện, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đã đến lúc thay ắc quy mới.

2. Ắc quy không đúng kích cỡ 

Việc lắp sai loại ắc quy có thể không ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng về lâu dài sẽ khiến động cơ khởi động khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các xe sử dụng động cơ lớn như V8 hoặc máy dầu có tỷ số nén cao.

Giải pháp đơn giản là kiểm tra thông số kỹ thuật từ nhà sản xuất để đảm bảo sử dụng đúng loại ắc quy. Nếu phát hiện ắc quy không phù hợp và đã suy yếu, hãy thay thế ngay bằng loại có dung lượng phù hợp để đảm bảo hiệu suất tối ưu.

3. Thời tiết quá lạnh

Những vùng có khí hậu lạnh giá, đặc biệt là Bắc Âu hay Canada, thường gặp tình trạng ắc quy yếu do nhiệt độ thấp làm giảm hiệu suất tích điện. Khi nhiệt độ xuống dưới -22 độ C, dung lượng ắc quy có thể giảm tới 50%, khiến động cơ khó khởi động hơn.

Để khắc phục, người dùng có thể lắp bộ sưởi động cơ (engine block heater) hoặc giữ xe trong nhà để xe có nhiệt độ ổn định. Ngoài ra, việc bảo dưỡng định kỳ cũng giúp đảm bảo hệ thống điện và dầu bôi trơn không bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh.

4. Hệ thống sạc hoạt động kém 

Ắc quy ô tô khi đầy có điện áp khoảng 12,8V, nhưng để duy trì mức điện này, hệ thống sạc trên xe thường cấp điện ở mức 13,6V hoặc cao hơn. Nếu máy phát không cung cấp đủ điện áp, ắc quy sẽ dần cạn kiệt, đặc biệt khi sử dụng nhiều thiết bị điện như đèn pha hoặc điều hòa.

Trường hợp máy phát bị lỗi, chi phí thay thế có thể khá cao, đặc biệt với xe đời mới khi hệ thống sạc được điều khiển bởi ECU. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu như đèn báo ắc quy sáng, hệ thống điện yếu hoặc xe khó khởi động, người dùng nên kiểm tra hệ thống sạc tại các trung tâm bảo dưỡng uy tín.

5. Rò Rỉ Điện Trong Hệ Thống

Xe hơi hiện đại được trang bị hàng loạt hệ thống điện tử, từ màn hình giải trí đến cảm biến an toàn. Khi một bộ phận nào đó gặp lỗi, nó có thể gây ra hiện tượng tiêu hao điện liên tục, còn gọi là “dòng rò” (parasitic drain).

Các lỗi này thường khó phát hiện, nhưng có thể kiểm tra bằng cách quan sát xem đèn nội thất có tự động tắt hoàn toàn hay không. Nếu nghi ngờ xe bị rò điện, tốt nhất nên đưa đến kỹ thuật viên chuyên nghiệp để kiểm tra và sửa chữa.

6. Ít lái xe 

Việc để xe lâu ngày không sử dụng có thể khiến ắc quy yếu dần do hệ thống điện tử trên xe vẫn tiêu thụ điện ngay cả khi xe tắt máy. Điều này đặc biệt phổ biến trên các mẫu xe sang, chẳng hạn như BMW, khi các cảm biến và hệ thống bảo mật luôn duy trì hoạt động ở mức thấp.

Nếu xe không được sử dụng thường xuyên, có thể lắp bộ sạc duy trì (trickle charger) để đảm bảo ắc quy luôn trong trạng thái đầy điện. Một giải pháp khác là sử dụng công tắc ngắt ắc quy để cắt hoàn toàn nguồn điện khi không sử dụng xe trong thời gian dài.

7. Hư hỏng do va chạm 

Ắc quy có thể bị nứt hoặc rò rỉ axit sau một vụ va chạm, dù nhẹ. Nếu vỏ ắc quy bị nứt, axit có thể chảy ra và ăn mòn các bộ phận xung quanh, gây nguy hiểm khi tiếp xúc với da.

Người dùng nên kiểm tra ắc quy ngay nếu gặp sự cố va chạm. Nếu phát hiện dấu hiệu rò rỉ hoặc biến dạng, cần thay thế ngay lập tức. Khi tự thay, hãy sử dụng găng tay bảo hộ để tránh tiếp xúc với axit.

8. Kết nối cực ắc quy hỏng hoặc bị ăn mòn

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến ắc quy hoạt động không ổn định. Các đầu cọc ắc quy có thể bị ôxy hóa theo thời gian, tạo ra lớp cặn trắng gây cản trở dòng điện.

Giải pháp đơn giản là vệ sinh các đầu cọc bằng dung dịch chuyên dụng hoặc hỗn hợp baking soda và nước. Sau đó, vặn chặt các cực nối để đảm bảo tiếp xúc tốt. Nếu dây điện có dấu hiệu hao mòn, nên thay mới để tránh nguy cơ chập cháy.

Hải Hà (Theo Slash Gear)

CTV