Bộ Công Thương: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều

08/04/2025 17:19

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều

Tại Lễ công bố Bộ Chỉ số đánh giá kết quả việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do tại các địa phương (FTA Index) vào chiều 8/4, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Thế giới đang thay đổi từng ngày. Điểm rõ nhất là cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Đặc biệt xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng mở rộng, gia tăng, cùng với việc Tổng thống Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng từ 10% đến 49% đối với hàng hóa của tất cả các nước, điều này gây ra tác động bất ổn đến trật tự thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được xem như là các “xa lộ lớn”, tạo thuận lợi vượt trội thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia; là “cánh cửa mở” liên thông kinh tế nước ta với thế giới.

bo cong thuong viec tan dung co hoi tu cac fta giua cac dia phuong va doanh nghiep chua dong deu hinh 1

Ông Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Moit)

Theo Bộ trưởng, việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp tăng cường đan xen lợi ích, mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, FTA góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và cải thiện cán cân thương mại theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư liên tục trong nhiều năm.

“Năm 2024 là năm thứ 9 liên tiếp nước ta xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục gần 25 tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Việc có thặng dư thương mại trong nhiều năm giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô, đóng góp quan trọng và tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực thi các FTA thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đơn cử: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động…

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và công bố Bộ Chỉ số FTA Index hàng năm, nhằm tạo lập, cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch, khách quan, toàn diện về mức độ thực thi các cam kết FTA tại từng địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bộ Chỉ số FTA Index sẽ là công cụ đánh giá định lượng, khách quan, toàn diện, giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của các địa phương trong cả nước nhằm kịp thời nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình thực thi.

Chất lượng cung cấp thông tin của cơ quan quản lý được đánh giá tích cực

Kết quả khảo sát Bộ Chỉ số FTA Index  cho thấy Sở Công Thương là kênh phổ biến thông tin về FTA chủ yếu tại các địa phương, được lựa chọn bởi phần lớn doanh nghiệp (59,3%). Đây cũng là cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối thực thi các FTA tại địa phương. 

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng là 2 cơ quan có tỷ lệ cao trong việc tuyên truyền về các FTA đến doanh nghiệp, với tỷ lệ tương ứng là 23% và 19,5%.

Chất lượng cung cấp thông tin của cơ quan quản lý được đánh giá tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chất lượng cung cấp thông tin theo tiêu chí “đáp ứng một phần” của cơ quan Trung ương là 90,7% và Cơ quan quản lý nhà nước địa phương là 91,3%. 

Tuy nhiên, ở tiêu chí “đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của doanh nghiệp” thì tỷ lệ này chỉ khiêm tốn tương ứng ở mức 14,2% và 15,8%.

Bộ chỉ số cũng tiết lộ: Tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên và rất thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại là 17,1%. Tỷ lệ doanh nghiệp thỉnh thoảng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại là 47,1% trong khi có đến 35,8% doanh nghiệp cho biết hiếm khi hoặc không tham gia các chương trình này.

Về chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại, có 47,3% doanh nghiệp đánh giá tốt. Nội dung được nhiều doanh nghiệp đánh giá tốt là cẩm nang hoặc tài liệu được cung cấp với tỷ lệ 48%. Đối với tiêu chí “có đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hay không”, có đến 45,7% doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Ngoài ra, có 26,2% doanh nghiệp trả lời họ thường xuyên nhận được thông tin dự báo, định hướng xuất nhập khẩu do Cơ quan quản lý nhà nước địa phương cung cấp và 41,2% doanh nghiệp cho biết thỉnh thoảng nhận được thông tin. Trong khi đó, mức độ rất thường xuyên nhận được thông tin chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 4,3%.

Định Trần