Đời sống văn hóa

Tranh Đông Dương: Mức giá triệu đô – Giá trị thật hay những chiêu trò “thổi giá”?

Khánh Ngọc (Thực hiện) 10/04/2025 11:26

(NB&CL) Trong những năm gần đây, thị trường tranh Đông Dương đã trở nên vô cùng sôi động với những tác phẩm giá trị lên đến triệu đô liên tục được đấu giá thành công. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mức giá này có phản ánh đúng giá trị thực sự của những bức tranh hay chỉ là kết quả của các chiêu trò “thổi giá”? Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ cùng Báo Nhà báo và Công luận về vấn đề này.

+ Thưa ông, trong vài năm qua, tranh của các họa sĩ thuộc trường phái mỹ thuật Đông Dương liên tiếp lập kỷ lục. Trong phiên đấu giá cuối tháng 3 vừa qua tại nhà Christie’s, bức “Ba quý cô” của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được gõ búa ở mức giá 2,07 triệu USD. Liệu phải chăng gần đây, công chúng mới nhận ra vẻ đẹp của tranh Đông Dương?
- Tranh Đông Dương đã có giá trị từ lâu, chứ không phải đến bây giờ mới được chú ý. Lần đầu tiên, những tác phẩm Đông Dương được mang ra thế giới là tại Triển lãm Thuộc địa ở Paris vào năm 1931. Chính tại triển lãm này, những bức tranh của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã gây được sự chú ý và bán rất chạy. Tuy nhiên, sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa, mỹ thuật Việt Nam chuyển hướng sang những phong cách khác. Phải mãi đến những năm 2000, thị trường tranh mới bắt đầu hồi sinh, khi công chúng tìm lại những giá trị xưa cũ, và tranh Đông Dương mới dần được biết đến rộng rãi.

2(1).jpg
Bức “La famille dans le jardin” (Gia đình trong vườn), kích thước 91,3cm x 61,5cm của Lê Phổ bán năm 2023 với giá 18,6 HKD (hơn 2,3 triệu USD). Ảnh: Sotheby

Vào những năm 1980, một nhà sưu tập nổi tiếng, ông Durand, đã mua một bức tranh của Nguyễn Sáng vẽ Bùi Xuân Phái, với mức giá 5.000-6.000 francs, vốn là một con số rất lớn vào thời điểm đó. Điều này khiến nhiều người bất ngờ và tự hỏi tại sao giá trị tranh lại cao như vậy khi mà công chúng trong nước lúc ấy chưa thể cảm nhận được giá trị của nó. Tuy nhiên, trong thời kỳ bao cấp, rất ít người có điều kiện để chơi tranh hay mua tranh.
Tuy nhiên, dần dần, thị trường tranh đã phát triển với sự tham gia của những tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm… Khi người ta nhận ra giá trị của những họa sĩ này, thì các thế hệ đi trước cũng được đánh giá cao. Những họa sĩ sống tại Pháp như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… cũng đạt được những mức giá cao. Thị trường tranh liên tục tăng trưởng, và khi bức “Khỏa thân” của Lê Phổ đạt mức giá 1 triệu USD, chúng ta đã rất vui mừng. Sau đó, kỷ lục tiếp tục được phá vỡ với bức “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ, được bán với giá 3,1 triệu USD. Điều đặc biệt là người mua tác phẩm này lại là một người Việt Nam. Việc tranh hồi cố hương không chỉ là tín hiệu tốt mà còn chứng tỏ sức hút lớn của dòng tranh này đối với chính người Việt.
+ Một số ý kiến cho rằng giá trị của tranh Đông Dương hiện nay chủ yếu đến từ việc “thổi giá”, chứ chưa hẳn phản ánh giá trị thực tế của tác phẩm. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Thực tế, giá trị của tranh Đông Dương là hoàn toàn xứng đáng với mức giá cao. Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo rất bài bản, mỗi năm chỉ tuyển chọn 10 sinh viên, từ hàng nghìn ứng viên, nên có thể khẳng định đây chính là những tinh hoa của nền mỹ thuật. Họ được đào tạo theo chương trình hàn lâm của Pháp, không chỉ học về hình họa mà còn về giải phẫu học, khảo cổ học và nhiều chuyên ngành khác.

4.jpg
Ông Ngô Kim Khôi. Ảnh: NVCC

Trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Việt Nam chủ yếu phục vụ cho các hoạt động tôn giáo, tâm linh, chứ không phải để treo trên tường để thưởng thức như ngày nay. Các họa sĩ Đông Dương đã thay đổi điều này, và họ được đào tạo bài bản với kỹ thuật vẽ rất tỉ mỉ, sắc sảo. Điều này giúp tranh Đông Dương không chỉ có giá trị mỹ thuật mà còn có giá trị lịch sử sâu sắc. Người mua tranh chắc chắn nhận thức được giá trị này, bởi chỉ có những bức tranh thực sự đẹp mới xứng đáng được chi tiền.
Thứ hai, đây là thời kỳ hoàng kim của mỹ thuật Việt Nam, và chính giá trị lịch sử đó khiến cho tranh Đông Dương luôn sáng giá. Những tác phẩm này thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam rõ nét, không lẫn lộn với các nền mỹ thuật khác, và đó chính là giá trị trường cửu. Chính vì vậy, tranh Đông Dương có thể vươn ra thế giới mà không cần phải “thổi giá”. Những giá trị này tự nó đã làm nên sức hút.
+ Tuy nhiên, ngoài giá trị nghệ thuật, còn một yếu tố khác khiến tranh Đông Dương có giá trị cao, đó chính là sự hiếm hoi của các tác phẩm, đúng không thưa ông?

- Đúng vậy. Tranh Đông Dương rất hiếm, bởi vì thời gian tồn tại của trường phái này khá ngắn, và trong suốt giai đoạn đó, người Việt chưa có thói quen sưu tập tranh. Hầu hết tranh đều được người Pháp mua, và số tranh đem ra nước ngoài cũng không còn nhiều, một phần đã bị thất lạc. Những tác phẩm còn lại ngày càng trở nên hiếm hoi, và khi nguồn cung hạn chế thì giá trị của chúng sẽ càng tăng.
Bên cạnh đó, khi đời sống vật chất của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhu cầu trang trí không gian sống, trong đó có tranh nghệ thuật, cũng gia tăng. Khi con người có điều kiện kinh tế, họ bắt đầu chú trọng đến đời sống tinh thần, và điều này cũng góp phần đẩy giá trị tranh lên cao.
+ “Tranh triệu đô” - đây có phải là đích đến của các họa sĩ? Liệu mức giá này đã đủ cao so với thị trường quốc tế, và tranh Đông Dương còn tiềm năng tăng giá không?

- Đối với thị trường quốc tế, mức giá triệu đô này thực ra chỉ như một hạt cát. Tôi hy vọng sẽ có một ngày tranh Việt Nam có thể sánh ngang với các danh họa nổi tiếng như Leonardo da Vinci hay Van Gogh. Tuy hiện nay, tranh Đông Dương được chú ý nhiều hơn vì tính “lạ lẫm” của nó, nhưng trong tương lai, tôi tin rằng giá trị của tranh Đông Dương vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Khi so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, giá trị tranh của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các thị trường như Singapore hay Indonesia, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực có trường mỹ thuật. Tuy nhiên, thị trường tranh Việt Nam vẫn gặp phải vấn đề tranh giả, và điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường. Nếu chúng ta có thể loại bỏ vấn đề tranh giả và chứng minh được giá trị thật của các tác phẩm Đông Dương, chắc chắn giá trị của chúng sẽ tiếp tục tăng.
Thêm vào đó, dù tình hình kinh tế thế giới hiện nay có thể làm chậm lại sự tăng trưởng, nhưng đây cũng là cơ hội để các nhà sưu tập có thể bình tâm, chuẩn bị cho những bước nhảy vọt trong tương lai. Chính tôi cũng hy vọng điều đó sẽ xảy ra.
+ Xin cảm ơn ông!

Khánh Ngọc (Thực hiện)