Đại thắng mùa Xuân 1975 – Vang mãi bản hùng ca toàn thắng: Tổng tiến công toàn thắng
(NB&CL) Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực của ta trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chính quyền Sài Gòn. Với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 khép lại bằng trận đột phá cuối cùng vào sào huyệt địch.
Đồng loạt đánh vào Sài Gòn
Thực ra trước đó, từ sau thời khắc 17h ngày 26/4 khi chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu, quân ta, từ các hướng Tây - Bắc, Đông - Bắc, Đông, Đông - Nam, Tây và Tây - Nam, đã kết hợp tiến công với nổi dậy, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài, chiếm bàn đạp vùng ven… Tất cả đã sẵn sàng cho công cuộc tổng công kích vào nội đô.
5 giờ 30 phút ngày 30/4, quân ta từ các hướng đồng loạt đánh vào năm mục tiêu đã lựa chọn: Bộ tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Ðộc lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô. Mở màn của đợt tổng công kích cuối cùng này là từ hướng Tây Bắc Sài Gòn- hướng tấn công chủ yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh và là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch với chiều dài 40km.
Lĩnh ấn tiên phong tấn công vào hướng phòng ngự mạnh nhất này là Quân đoàn 3- Binh đoàn Tây Nguyên, vốn được thành lập gồm 3 Sư đoàn: Sư 10, Sư 320, Sư 316 và các đơn vị binh chủng.
.jpg)
5 giờ ngày 30/4, Quân đoàn 3 với lực lượng đột kích thọc sâu chủ yếu là Sư đoàn 10 tăng cường, từ bàn đạp dọc đường số 1 (phía bắc ngã ba Bà Quẹo), được pháo binh chiến dịch và pháo quân đoàn chi viện bắn phá liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ tư lệnh quân dù, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh không quân..., đã đồng loạt hành tiến bằng cơ giới hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Sau khi tiêu diệt quân địch cố thủ ngã tư Bảy Hiền, đội hình thọc sâu Sư đoàn 10 tiếp tục phát triển. Đến trưa 30/4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) làm chủ Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
“Theo kế hoạch, sau khi đánh xong sân bay Tân Sơn Nhất thì Quân đoàn 3 mới đánh tiếp vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Nhưng tình hình phát triển thuận lợi, Quân đoàn 3 lệnh ngay Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 có lực lượng xe tăng phối thuộc, vượt qua đội hình Trung đoàn 24, đánh thẳng về Bộ Tổng tham mưu ngụy” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 3 kể lại.
Cùng với đó, từ hướng tây và tây-nam, Sư đoàn 9, đoàn 232 đánh chiếm khu Nhà Bè, cầu Nhị Thiên Ðường, cầu Chữ Y, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ tư lệnh lục quân, chiếm khu Tân Tạo và khu ra-đa Phú Lâm...; Sư đoàn 5 và các trung đoàn 16, 24, 88 độc lập đánh diệt, làm tan rã sư đoàn 22, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa, chiếm cầu Bình Ðiền, An Lạc, phát triển cùng nhân dân giải phóng quận 5, 6, phối hợp với Sư đoàn 9 chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Sáng 30/4/1975, các lực lượng của Đoàn 232 đồng loạt tổng công kích vào nội thành, tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tổng nha cảnh sát, Cảnh sát đô thành, các quận Tân Bình, Bình Chánh, hợp điểm tại Dinh Độc Lập đúng theo kế hoạch.
Trưa ngày 30/4, cánh quân hướng Tây – Tây Nam cùng 4 cánh quân khác đã họp mặt tại Dinh Độc lập.
Bên cạnh đó, Quân đoàn 1 nhận nhiệm vụ tấn công từ phía Bắc Sài Gòn. Rạng sáng 30/4, trên các hướng tiến công của Quân đoàn, các đơn vị đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu quy định. Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 chặn đánh quyết liệt, toàn bộ lực lượng địch gồm hai Trung đoàn 7 và 9, một bộ phận của Trung đoàn 8 cùng cơ quan tham mưu Sư đoàn 5 ngụy buộc phải đầu hàng. Rạng sáng 30/4, sau gần 2 giờ chiến đấu, Trung đoàn 27 đã hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía Bắc Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 48 - lực lượng thọc sâu chủ yếu của Sư đoàn 320B nhanh chóng tiến về trung tâm Sài Gòn. Đến 16 giờ ngày 30/4/1975, các hướng chiến đấu của Quân đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
.jpg)
Hướng đông, Quân đoàn 4 tiến công chiếm Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 không quân, sân bay Biên Hòa, đánh tan địch ngăn chặn ở Hố Nai, sau đó tiến công sang quận Thủ Ðức, phát triển vào nội đô đánh chiếm bộ chỉ huy thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ quốc phòng, cảng Bạch Ðằng, Ðài phát thanh... Trên hướng Đông Nam, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với Đoàn đặc công 116 và lực lượng biệt động thành tổ chức đập tan các chốt chặn của địch, tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền trung ương địch, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
55 năm ngày đêm toàn thắng
11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!
Như vậy, chỉ trong 55 ngày đêm chiến đấu thần tốc với ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, hơn 1 triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền Sài Gòn bị đập tan.
Như nhìn nhận của Đại tá, PGS.TS Dương Đình Quảng, trong một thời gian rất ngắn, ta đã tập trung vào chiến dịch một lực lượng quân sự lớn chưa từng có trong điều kiện chiến trường nước ta, hình thành ưu thế áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã nhanh chóng tập đoàn phòng ngự lớn có chuẩn bị trước của địch tại trung tâm đầu não của chúng. Ta đã sử dụng năm quân đoàn chủ lực tinh nhuệ, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng tại chỗ của Nam Bộ; cùng với hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn binh chủng, quân chủng với nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại với khoảng 60 nghìn tấn vật chất kỹ thuật-hậu cần. Ðây không chỉ là khoa học về tổ chức mà còn là bước phát triển cao về nghệ thuật tạo ưu thế tuyệt đối hơn địch trên không gian và thời gian quyết định. Không chỉ tập trung lực lượng lớn, tạo ưu thế tuyệt đối so với địch là yếu tố cơ bản đầu tiên quyết định thắng lợi của chiến dịch, mà còn trong thời gian rất ngắn, ta đã hình thành được thế trận bao vây lớn, chia cắt hiểm, hãm cả tập đoàn phòng ngự của địch vào tình thế bị bao vây chặt trên tất cả các hướng: đông, bắc, tây bắc, tây nam, nam; với thế trận tiến công áp đảo này, ta đã tạo được một trong những điều kiện cơ bản để thắng nhanh, đẩy địch tan vỡ rất nhanh.