Cú sốc thuế quan từ Mỹ:Liều thuốc đắng và cơ hội dã tật, chuyển mình của kinh tế Việt Nam
(NB&CL) Thuế quan Trump 2.0 có thể ví như liều thuốc đắng đối với nền kinh tế Việt Nam, gây ra những cơn đau ngắn hạn nhưng đồng thời cũng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đề kháng mạnh mẽ hơn.
Những ngày qua, kinh tế toàn cầu đối mặt với cú sốc lớn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng với hơn 100 nền kinh tế trên toàn cầu. Mức thuế đối ứng cơ bản 10% đã có hiệu lực từ ngày 6/4. Các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 (theo giờ Mỹ).
Thuế quan Trump 2.0 có thể ví như liều thuốc đắng đối với nền kinh tế Việt Nam, gây ra những cơn đau ngắn hạn nhưng đồng thời cũng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đề kháng mạnh mẽ hơn. Nếu quyết liệt cải tổ, Việt Nam có thể biến nguy thành cơ, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, bền vững và chiến lược hơn. Việc tái cấu trúc sẽ giúp Việt Nam định vị lại vai trò trong chuỗi thương mại toàn cầu và chuyển biến cú sốc thuế quan thành sức bật.
Kịch bản không bất ngờ
Tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 2 bất ngờ công bố mức thuế quan 46% lên hàng hóa từ Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược “thuế quan có đi có lại” mới, nhằm đáp trả điều mà Mỹ cho là hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các nước đối với hàng hóa Mỹ. Việc Việt Nam trở thành một trong những nước bị áp thuế suất cao nhất chỉ sau Lào, Campuchia thực ra không quá bất ngờ, nếu nhìn lại những tín hiệu từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Ngay từ năm 2019, tổng thống Trump đã từng cảnh báo: Việt Nam có thể là mục tiêu kế tiếp trong cuộc chiến thương mại.
Mức thuế suất 46% là cú sốc lớn đối với nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Việt Nam. Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (năm 2024). Việc gần một nửa giá trị hàng hóa bị “đội” thêm thuế sẽ đẩy giá bán lên cao và làm hàng Việt mất tính cạnh tranh nghiêm trọng tại thị trường Mỹ. Theo phân tích của các chuyên gia, mức thuế đối ứng 46% khiến hàng Việt Nam chịu thuế cao hơn 10-20% so với các đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường Mỹ. Điều này đồng nghĩa nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ bị lép vế. Các ngành xuất khẩu mũi nhọn dự báo thiệt hại nặng nề nhất bao gồm điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, thủy sản, vốn là những lĩnh vực đóng góp hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Khi lợi thế về giá cả mất đi, các đơn hàng có thể sẽ chảy sang nước khác, kéo theo nguy cơ cắt giảm sản xuất và việc làm trong nước.

Không chỉ xuất khẩu sụt giảm, cú sốc thuế quan còn có thể tạo hiệu ứng dây chuyền đến niềm tin đầu tư và thị trường tài chính. Dòng vốn FDI mới có thể chững lại nếu các nhà sản xuất lo ngại Việt Nam không còn là “điểm trung chuyển an toàn” vào thị trường Mỹ. Tăng trưởng GDP, vốn dựa nhiều vào xuất khẩu, sẽ chịu sức ép giảm trong ngắn hạn.
Dù vậy, điều đáng lưu ý là các quan chức 2 nước đều tỏ ý sẵn sàng ngồi lại đàm phán trước thời điểm thuế có hiệu lực (dự kiến ngày 9/4/2025). Điều này mở ra hy vọng rằng các tác động xấu nhất có thể được kiểm soát, nếu Việt Nam có đối sách phù hợp, biến “nguy” thành “cơ”. Nhìn một cách toàn cục, thuế quan Trump 2.0 có thể là cú hãm phanh đột ngột, nhưng cũng tạo động lực để Việt Nam tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế - như một cuộc “đại phẫu” cần thiết cho sự phát triển dài hạn.
Không chủ quan nhưng không quá bi quan
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cả doanh nghiệp và Nhà nước cần nắm sát tình hình, diễn biến, đặc biệt là những động thái mới từ phía Chính phủ Mỹ đối với thuế quan và các vấn đề liên quan khác. Bên cạnh đó, cần quan sát thêm động thái của những nước lớn, những nước có cán cân thương mại lớn, có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ. “Chính phủ và doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Điều quan trọng là chúng ta cần bình tĩnh, không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan. Bởi đây là câu chuyện toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Nước nào bình tĩnh hơn, chủ động hơn, khôn khéo hơn sẽ vượt qua được cú sốc lớn này thành công”, ông Lực phân tích.

Theo một chuyên gia kinh tế đã tham gia nhiều đoàn đàm phán, để tận dụng được dư địa đàm phán, Việt Nam cần tập trung vào một số điểm then chốt.
Thứ nhất, chúng ta cần làm cho phía Mỹ thấy rằng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam mang tính tương trợ, bổ trợ lẫn nhau.
Thứ hai, Mỹ vừa công bố các vướng mắc liên quan đến 14 lĩnh vực. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm và có những giải pháp rất cụ thể để khắc phục và giải quyết những băn khoăn, khuyến nghị này. Nếu chúng ta giải quyết kịp thời, thể hiện chúng ta có thiện chí và nghiêm túc giải quyết các vướng mắc cho phù hợp.
Thứ ba, trong công thức tính toán về mức độ thuế suất của Mỹ thể hiện, chúng ta còn nhiều rào cản thương mại cần phải tháo gỡ. Do đó, cần chứng minh cho phía Mỹ là chúng ta đã cởi mở vấn đề thương mại đến đâu. Còn với những vướng mắc, rào cản thì chúng ta quyết tâm có lộ trình và giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Thứ tư, cần hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp và địa phương minh bạch hóa nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, của các chương trình, dự án đầu tư có liên quan để khi làm việc với phía Hoa Kỳ. Có thể chứng minh cho họ thấy những hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đôi khi xuất phát từ sự đầu tư của Hoa Kỳ, không phải đơn thuần của nước khác hay của riêng Việt Nam.
Liều thuốc đắng cho sự phát triển bền vững
Việt Nam cần tái định hướng mô hình phát triển kinh tế, mà trọng tâm là chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Hơn 30 năm qua, lợi thế lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất quy mô lớn, nhưng cũng định hình vị thế của Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị (lắp ráp, gia công). Mô hình này bộc lộ nhiều bất cập: giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào khối ngoại, dễ bị tổn thương trước biến động toàn cầu. Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển dịch sang thu hút các dự án FDI ở các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn (công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dược phẩm, thiết bị y tế, logistics hiện đại…).

Việt Nam có nhiều điểm mạnh để hấp dẫn dòng vốn chất lượng cao (dân số vàng, có trình độ; chi phí cạnh tranh; vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á và môi trường chính trị ổn định). Những lĩnh vực như AI, phần mềm, điện tử thông minh hoàn toàn phù hợp với lợi thế nhân lực của Việt Nam. Chính phủ cần chủ động đưa ra các gói ưu đãi đầu tư riêng cho dự án công nghệ cao, trung tâm R&D, trường đại học, viện nghiên cứu liên kết với nước ngoài. Chú trọng thu hút các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Nhật, EU đến đầu tư, bởi họ không chỉ đem vốn và công nghệ mà còn giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu ngoài Trung Quốc. Định hướng FDI mới này sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi cái bóng “công xưởng giá rẻ”, vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực. Khi các ngành công nghệ cao, sáng tạo phát triển, nền kinh tế sẽ ít phụ thuộc hơn vào khối lượng xuất khẩu thô (vốn dễ bị đánh thuế cao), thay vào đó dựa vào chất lượng và tri thức - những thứ không thể dễ dàng bị áp thuế. Hơn nữa, mở rộng lĩnh vực như CNTT, AI sẽ tạo sự đột phá về năng suất, nâng cao thu nhập cho lao động Việt Nam, hình thành tầng lớp chuyên gia công nghệ đông đảo. Đây chính là nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Thuế quan Trump 2.0 có thể ví như một liều thuốc đắng đối với nền kinh tế Việt Nam, gây ra những cơn đau ngắn hạn nhưng đồng thời cũng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đề kháng mạnh mẽ hơn. Nếu quyết liệt cải tổ, Việt Nam có thể biến nguy thành cơ, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, bền vững và chiến lược hơn. Bài học từ các nền kinh tế từng trải qua cú sốc bên ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản...) cho thấy: cải cách đau đớn thường là tiền đề cho một giai đoạn phát triển đột phá. Đối với Việt Nam, đòn thuế của Mỹ có thể chỉ là tạm thời nếu chúng ta ứng phó khôn khéo. Quan trọng hơn, sau sự kiện này, kinh tế Việt Nam cần bước vào một chu kỳ tái cơ cấu sâu rộng: giảm phụ thuộc 1 thị trường, 1 nguồn cung; nâng cao nội lực công nghệ và vị thế trong chuỗi giá trị; đồng thời củng cố quan hệ kinh tế với các đối tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi.