Đời sống văn hóa

Tượng đồng tê tê Long Giao - đỉnh cao nghệ thuật luyện kim thời sơ kỳ đồ sắt

T.Toàn 11/04/2025 16:25

(CLO) Tượng đồng tê tê Long Giao là đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim thời sơ kỳ đồ sắt, minh chứng cho giai đoạn lịch sử quan trọng - thời kỳ Nhà nước sớm.

Ngày 11/4, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia tượng đồng tê tê Long Giao và khai mạc triển lãm nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai.

Theo hồ sơ của Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Nai, tượng đồng tê tê Long Giao là hiện vật gốc, độc bản, có tính bản địa, có hình thức độc đáo; là tiêu bản duy nhất phát hiện ở Việt Nam.

3(1).jpg
Tượng đồng tê tê Long Giao đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: Ly Na

Về giá trị lịch sử - nghệ thuật, tượng tê tê Long Giao là đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim thời sơ kỳ đồ sắt, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử quan trọng - thời kỳ Nhà nước sớm.

Tượng đồng tê tê Long Giao được phát hiện năm 1985, ở độ sâu 40cm, tại vị trí phát hiện trùng với địa điểm phát hiện bộ sưu tập qua đồng Long Giao. Năm 1986, nông trường Cao su Cẩm Mỹ đưa về trưng bày tại Nhà truyền thống Nông trường; sau đó bàn giao cho Bảo tàng Đồng Nai bảo quản, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu.

Tượng tê tê Long Giao làm bằng chất liệu đồng thau, trọng lượng 2,65kg, được đúc bởi khuôn sáp nhiều mang, thuộc dòng tượng tròn, trong tư thế đứng, cân đối.

32.jpg
Tượng đồng tê tê Long Giao. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai

Phần đầu tượng dài, nhỏ, có cấu tạo mõm dài, hơi há ra, mắt lồi nhỏ, hai tai có vành nổi thêm hình tròn như vòng khuyên. Từ cổ đến đuôi có vảy xếp chồng lên nhau theo từng hàng khá đều, thân phình to và thuôn nhỏ về đuôi, ở vị trí cuối bụng giáp với đuôi có một lỗ sâu, ăn thông vào khoang bụng.

Tượng có 4 chân, 2 chân trước lớn và cao hơn 2 chân sau, song không thể hiện 5 ngón và móng vuốt nhọn như vật thật. Bên ngoài tượng đồng tê tê Long Giao phủ một lớp patina màu xám xanh.

Việc phát hiện tượng đồng tê tê Long Giao cùng lúc và cùng địa điểm với sưu tập qua đồng Long Giao được coi là những di tích điển hình nhất trong các di tích tiền sử - sơ sử ở lưu vực sông Đồng Nai, minh chứng rằng vào thời đại đồng - sắt sớm ở Đông Nam Bộ, trong vùng lưu vực sông Đồng Nai đã tồn tại một trung tâm luyện kim, đúc đồng thực sự với những chứng cứ việc chế tác kim loại tại chỗ.

Trong dịp này, tỉnh Đồng Nai còn tổ chức triển lãm Nghề luyện kim cổ, mở cửa miễn phí, phục vụ nhân dân và du khách đến hết ngày 30/5.

Triển lãm trưng bày hơn 100 hình ảnh các di chỉ khảo cổ quan trọng và hơn 200 hiện vật minh chứng về một dòng chảy kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, rèn sắt trong giai đoạn đồng - sắt sớm ở vùng đất Đồng Nai, trong đó có tượng đồng tê tê Long Giao.

31.jpg
Tượng đồng tê tê Long Giao, nhìn từ phía trên. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai

Triển lãm cũng giới thiệu đến người dân và du khách những đặc trưng, vai trò và vị trí của nghề luyện kim đối với sự phát triển của xã hội, về các nghề thủ công liên quan, quy trình chế tác, mô hình lò đúc đồng truyền thống, những sản phẩm của nghề đúc đồng trên vùng đất Đồng Nai.

Ngoài tượng đồng tê tê Long Giao, Bảo tàng Đồng Nai hiện đang lưu giữu 3 bảo vật quốc gia gồm: Qua đồng Long Giao, tượng thần Vishnu Bình Hòa và đàn đá Bình Đa, là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

T.Toàn