Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Quảng Bình do trẻ chưa tiêm đủ vaccine
(CLO) Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, từ đầu năm 2025 đến nay đã tiếp nhận và điều trị 275 ca bệnh sởi, riêng tháng 3 ghi nhận 126 ca và chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4 đã có hơn 80 trường hợp mới. Trung bình mỗi ngày, khoa Nhi tiếp nhận 45–50 trẻ mắc hoặc nghi mắc sởi.

Do số lượng bệnh nhi tăng nhanh, bệnh viện đã phải dành riêng khu điều trị Nhi A cho bệnh nhân sởi. Một số ca có biến chứng viêm phổi nặng phải thở máy, bệnh viện buộc phải huy động thêm giường và trang thiết bị phục vụ điều trị.
Hiện đơn vị chưa có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán sởi, tuy nhiên kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy tỷ lệ dương tính rất cao. Đáng lo ngại, phần lớn trẻ mắc bệnh chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Các dấu hiệu điển hình bao gồm: sốt cao kéo dài, ho, sổ mũi, viêm kết mạc và nổi ban đỏ toàn thân.
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần tiêm đầy đủ vaccine phòng sởi cho trẻ theo lịch khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, cần hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, đeo khẩu trang khi cần thiết, tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân để phòng ngừa bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trên toàn tỉnh trong năm 2025. Chiến dịch tập trung vào nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi ở các khu vực có nguy cơ cao, nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sởi.