Bất động sản

HoREA: Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có thể nghiên cứu từ mô hình của Hà Nội và TP HCM

Định Trần 14/04/2025 06:49

(CLO) Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác đã có Quỹ riêng phát triển nhà ở, đây chính là kinh nghiệm thực tiễn quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Cuối tuần qua, Bộ Xây dựng tiếp tục có tờ trình mới (tờ trình 25/TTr-BXD), gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Trong Dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh tên gọi, thay vì thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia như trước, nay đã rút gọn thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, bỏ chữ “xã hội” trong tên.

Dự thảo cũng đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm và bổ sung cho Quỹ, hình thức hỗ trợ, cơ chế bồi hoàn hỗ trợ và các chính sách đặc thù khác của Quỹ.

nha-o-xa-hoi-1740581832902967949153.jpg
Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có thể nghiên cứu từ mô hình của Hà Nội và TP HCM. (Ảnh: TT)

Liên quan tới sự điều chỉnh lần này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) ủng hộ những thay đổi này.

Đối với vấn đề điều chỉnh tên gọi thành Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, ông Châu cho rằng: Quỹ này hoạt động không chỉ sử dụng để phát triển nhà ở xã hội. Trên thực tế, việc thành lập Quỹ này để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Nếu để như đề xuất cũ là Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia là chưa thực sự bao quát. Do đó, việc điều chỉnh là phù hợp, bởi nó được sinh ra để hỗ trợ nhiều đối tượng, trong đó có cả những người trẻ mua nhà ở thương mại giá rẻ.

Đối với điều chỉnh thứ hai, liên quan tới đề xuất giao Chính phủ thực hiện một số hành động trong Quỹ, ông Châu cho rằng sự điều chỉnh này cũng rất phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Ông Châu giải thích: Hiện Việt Nam có 2 Quỹ Phát triển nhà ở cấp tỉnh, đó là Quỹ Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 20/1999/QĐ-UB ngày 2/4/1999 của UBND thành phố Hà Nội và Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM được thành lập theo Quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 4/8/2004 của UBND TP HCM với vốn điều lệ ban đầu của mỗi Quỹ là 1.000 tỷ đồng.

Riêng Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM có tổng vốn thực tế lên đến 1.605 tỷ đồng theo kết quả kiểm toán năm 2023.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã thành lập Quỹ Phát triển nhà ở nằm trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương. Ông Châu cho rằng, đây là kinh nghiệm thực tiễn về tạo hành lang pháp lý và cơ chế đặc thù để góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Trong đó, Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM (HOF) hoạt động khá đa dạng và đạt được một số thành quả có thể tham khảo để góp phần xây dựng cơ chế quản lý, vận hành của Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia.

Ông Châu nói: Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM thành lập năm 2004 và bắt đầu cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2006, đến nay đã hỗ trợ cho hơn 6.400 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ các đoàn thể.

Những đối tượng này hưởng lương từ ngân sách thành phố được vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 50% so với lãi suất vay thương mại, với suất vay hỗ trợ hiện nay là 900 triệu đồng, không vượt quá 70% giá trị hợp đồng mua bán nhà với lãi suất 3,2%/năm trong thời hạn 20 năm.

Đặc biệt, Quỹ còn có chức năng hợp tác với nhà đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Định Trần