Giáo dục

Tà Cóm – Nơi con chữ nảy mầm từ sỏi đá Bài 2: Hành trình đi tìm con chữ của những đứa trẻ vùng biên

Hà Anh 16/04/2025 07:30

(CLO) Mỗi buổi sáng, khi mặt trời còn chưa ló khỏi rặng núi, những đứa trẻ ở bản Tà Cóm đã í ới gọi nhau, đứa mang cặp, đứa đeo giỏ, chuẩn bị cho một ngày mới. Con đường đến trường của các em không phải là những con phố rợp bóng cây như ở miền xuôi mà là lối mòn nhỏ len giữa rừng, có đoạn trơn trượt, có đoạn phải men theo bờ vực, băng qua suối, leo dốc.

Đường đến trường là đường vượt lên số phận

Tại điểm trường Tiểu học Tà Cóm thuộc trường Tiểu học Trung Lý 2, cơ sở vật chất còn khá khó khăn, điện lúc có lúc không. Điểm trường có 5 lớp nhưng chỉ có 4 thầy giáo.

8a2af6a60f91bccfe580.jpg
Đường vào trường được bê tông hoá

Thầy giáo Hà Văn Hơn, Trưởng khu Tà Cóm, Trường Tiểu học Trung Lý 2 cho biết: "Khu Tà Cóm có 77 em. Điều kiện rất khó khăn về đường đi, gia đình hoàn cảnh. Có em đi học cả tuần chỉ mặc 1 bộ quần áo. Hôm nào trời mưa, suối phía ngoài đây nước lên, lụt các em không đi học được. Còn 3 em ở Suối Chảy đường cách 6 - 7km, các em đi từ sớm mà có hôm gần ra chơi mới đến trường".

Mùa mưa, suối dâng cao, nước chảy xiết, nhiều hôm học trò phải đứng bên bờ suối đợi cả tiếng đồng hồ chỉ để đợi nước rút. Có những em học sinh đi bộ gần 6km từ nhà ra điểm trường, trong đó có hơn 3km là đường rừng, bùn lầy ngập mắt cá chân. Dép tuột, quần áo ướt, sách vở phải quấn lại trong túi nilon, ôm sát ngực cho khỏi ướt. Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc là rất hiếm khi các em nghỉ học.

dscf0351.jpg
Hai chị em Hờ Thị Pàng với ước mơ được đến trường lớn lao

“Chúng em đi học vì muốn được như thầy cô, được biết đọc biết viết. Sau này lớn lên có thể làm bác sĩ, làm bộ đội để giúp bản mình”, em Hờ Thị Pàng, học sinh lớp 3, nói bằng giọng Mông pha tiếng phổ thông với đôi mắt sáng ngời.

Ở vùng cao, sách vở là món đồ quý. Có em học hết lớp 3 mà chưa từng có một quyển vở mới, chỉ dùng lại vở cũ của anh chị, xóa rồi viết lại. Những quyển sách giáo khoa do nhà nước cấp phát được các em giữ gìn như báu vật, dán cẩn thận từng góc, bọc bằng bao nilon, có em còn thắt thêm dây chun để khỏi rơi mất trang.

dscf0252.jpg
Các em học sinh trong tiết học

Học sinh nơi đây thuộc diện được hỗ trợ ăn trưa nhưng do cơ sở vật chất chưa cho phép, các thầy chưa thể chuẩn bị bữa ăn cho học trò. Đồ ăn trưa do bố mẹ chuẩn bị chỉ có cơm nguội. Bởi nếu đói bụng, việc học cũng không thể tiếp tục.

Giấc mơ vươn xã từ những căn nhà nhỏ

Ba anh em nhà Sùng A Hành, học sinh lớp 3, là minh chứng sống động cho ý chí học tập không lùi bước. Hành có em gái Sùng A Ư đang học lớp 1 và em trai Sùng A Lông đang học lớp mầm non 3 tuổi.

dscf0265.jpg
Hai anh em nhà Sùng A Hành đi học cách nhà hơn 4km

Ba anh em Hành dậy từ khi trời chưa sáng rõ, vượt qua con suối lạnh buốt và những đoạn dốc trơn trượt để kịp có mặt tại lớp lúc 7 giờ.

Không đồng hồ, em nghe tiếng gà gáy để đo thời gian. Chân trần, áo mỏng, cơm gói vội bằng nắm xôi từ tay mẹ, các em chưa từng nghỉ học buổi nào.

dscf0312.jpg
Em Sùng A Lông (em trai út của Sùng A Hành) hằng ngày theo anh chị đi bộ hơn 4km tới trường

Khi nhìn thấy đùm cơm của các em tới trường, có điều gì đó nghẹn lòng bên trong chúng tôi. Nắm cơm được bọc trong túi ni-long, chúng tôi ngỡ trong bọc cơm ấy phải còn chút thức ăn nhưng không… chỉ có mình cơm trắng. Ấy thế nhưng, những đứa trẻ lại ăn ngon lành.

Khi được hỏi về ước mơ, Hành chỉ cười bẽn lẽn rồi nói nhỏ: “Con muốn làm thầy giáo để dạy lại các em nhỏ trong bản”. Câu chuyện của Hành không phải là đơn lẻ.

dscf0268.jpg
Bữa cơm trưa chỉ có cơm trắng và một chút chè lam

Thầy giáo Sùng A Chai, chủ nhiệm lớp em Hành cho biết, nhà các em ở Suối Chảy cách điểm trường hơn 4km. Các em bắt đầu tới trường từ 5 giờ sáng, đi học rất đầy đủ, sáng nào cũng tới trường vào khoảng 7 giờ - 7 giờ 30 phút. Còn với em trai út mới chập chững tuổi lên 3 nhưng sáng nào cũng theo anh chị tới trường mầm non kế bên.

Những hoàn cảnh như ba anh em nhà Hành không khó để bắt gặp ở nhiều điểm trường vùng cao. Bố mẹ đi nương rẫy rồi đi làm ăn xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến những đứa trẻ hiểu chuyện từ sớm, sống như cây cỏ bám rễ vào đá, lớn lên giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

dscf0294.jpg
Thầy giáo tận tình giảng dạy cho các em học sinh

Thầy giáo Vi Văn Bốn, giáo viên lớp 4, khu Tà Cóm, Trường Tiểu học Trung Lý 2 chia sẻ: "Một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ nghiện, các em ở với ông bà. Ở lại học buổi chiều các em đùm cơm mang đến để ăn. Ăn xong các em đi chơi rồi buổi chiều vào học. Điều kiện của các thầy thì vừa rồi có điện đỡ vất vả. Còn trước dùng điện nước rất khó khăn. Đi xa cũng rất nhớ nhà".

Ở Tà Cóm, giờ đây, mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một giấc mơ: có em mong làm bác sĩ để chữa bệnh cho người trong bản, có em ước được làm bộ đội để canh giữ biên cương.

dscf0248.jpg
Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một giấc mơ

Những ước mơ nhỏ bé nhưng chân thật ấy chính là những ngọn lửa âm ỉ, thắp sáng cả bản làng. Phía sau những ánh mắt hồn nhiên là khát vọng vươn lên của cả một thế hệ trẻ nơi biên cương.

“Con chữ đã dần thay đổi cuộc sống của bản. Ngày trước, người dân không biết khai sinh, không biết chữ viết. Nay các cháu đã đọc được tên mình, viết được thư, biết giữ gìn vệ sinh và lễ phép hơn,” ông Thào A Thái, nguyên Trưởng bản Tà Cóm chia sẻ đầy tự hào.

Hà Anh