Thế giới 24h

Hai trận mưa sao băng ngoạn mục sắp làm rung chuyển bầu trời đêm

Ngọc Ánh (theo Space, Daily Galaxy) 15/04/2025 18:28

(CLO) Bầu trời đêm sắp trở thành sân khấu cho hai hiện tượng thiên văn tuyệt đẹp: mưa sao băng Lyrid và Eta Aquariid.

Cả hai đều là sự kiện thường niên, mang lại cho người yêu thiên văn cơ hội chứng kiến những vệt sáng ngoạn mục băng ngang bầu trời, với thời điểm quan sát tốt nhất tùy thuộc vào vị trí địa lý.

untitled(4).png
Ảnh minh họa: Unsplash

Mưa sao băng Lyrid khởi động từ ngày 17/4 và đạt cực đại vào đêm 21 đến rạng sáng 22/4. Hiện tượng này xảy ra khi Trái đất băng qua đám bụi do sao chổi C/1861 G1 (Thatcher) để lại – một sao chổi có chu kỳ quay quanh Mặt trời dài tới 422 năm. Tên gọi “Lyrid” xuất phát từ chòm sao Lyra – nơi các vệt sao băng dường như tỏa ra.

Ánh trăng trong giai đoạn khuyết (khoảng 40% độ sáng) có thể làm giảm phần nào độ rõ nét của các sao băng. Các chuyên gia khuyên nên quan sát vào tối 21/4, ngay trước khi trăng mọc. Nếu điều kiện lý tưởng, người quan sát ở Bắc bán cầu có thể thấy từ 10 đến 15 sao băng mỗi giờ.

Vùng quan sát lý tưởng nhất cho Lyrid là Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – những nơi chòm sao Lyra hiện diện rõ trên bầu trời phía bắc. Ngược lại, ở Nam bán cầu, mưa sao băng này có thể khó nhìn thấy hơn vì điểm phát sáng nằm quá thấp gần đường chân trời. Để tối ưu hóa trải nghiệm, nên tìm đến khu vực tối, không bị ánh đèn đô thị che khuất.

Ngay sau đó, từ ngày 20/4 đến 21/5, mưa sao băng Eta Aquariid – món quà từ sao chổi Halley – sẽ tiếp tục thắp sáng bầu trời. Đây là tàn tích của một trong những sao chổi nổi tiếng nhất trong lịch sử, Halley, với chu kỳ quay trở lại Mặt trời khoảng 76 năm một lần.

Eta Aquariid đạt đỉnh vào ngày 2 và 3/5, khi có thể xuất hiện tới 50–60 sao băng mỗi giờ nếu quan sát từ Nam bán cầu.

Dù Bắc bán cầu không phải là nơi lý tưởng nhất để xem Eta Aquariid, người quan sát vẫn có thể thấy khoảng 20 sao băng mỗi giờ nếu bầu trời đủ tối. Thời điểm tốt nhất để theo dõi là sau nửa đêm, khi chòm sao Bảo Bình – nơi mưa sao băng phát ra – nằm cao trên bầu trời.

Không cần kính thiên văn hay ống nhòm, mắt thường cũng có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn những vệt sáng này, miễn là ở vị trí tối, thoáng đãng và không có ánh sáng nhân tạo. Những "trận mưa ánh sáng" sẽ là món quà tuyệt vời của vũ trụ dành cho những ai biết chờ đợi và ngước nhìn.

Nếu không chắc khi nào nên ngước nhìn bầu trời, có thể tham khảo trang Time and Date để biết dự báo chi tiết cho từng khu vực. Ngoài ra, lịch mưa sao băng 2025 của Tổ chức Thiên thạch Quốc tế cũng là công cụ hữu ích cho những ai muốn săn sao băng.

Ngọc Ánh (theo Space, Daily Galaxy)