Tà Cóm – Nơi con chữ nảy mầm từ sỏi đáBài 3: Hành trình giữ bước chân em ở lại trường
(CLO) Không phải ai cũng đủ kiên trì để theo đuổi hành trình học tập nơi nẻo cao. Ở bản Tà Cóm, hành trình "giữ bước chân em ở lại trường" là một cuộc chiến thầm lặng - giữa cái đói và con chữ, giữa tập quán cũ và ánh sáng tri thức. Đó là hành trình không chỉ của học trò mà còn là của thầy cô, cán bộ và cả cộng đồng.
Học sinh bỏ học - nỗi lo thường trực
Trung Lý là một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa bàn có 7,8 km đường biên giới giáp với Lào, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt, điều kiện canh tác còn khó khăn.
.jpg)
Trên địa bàn xã Trung Lý có 15 bản, hệ thống hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn, cách trở. Để đến được các bản phải qua sông Mã bằng đò từ phía xã Mường Lý. Bản xa nhất cách trung tâm xã khoảng 50km, như Tà Cóm, Cánh Cộng, bản gần nhất cách 7km.
Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Kinh, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 70%, đời sống khó khăn khiến việc đến trường của các em cũng bị gián đoạn.
Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết, địa phương có gần 1.400 hộ dân, hơn 7.200 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 66%. Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều người còn quan niệm con cái lớn lên phải phụ giúp việc nhà, đỡ đần bố mẹ.

Một số gia đình chỉ cho con học hết lớp 5 hoặc bậc THCS, trẻ đủ tuổi thì xây dựng gia đình hoặc đi làm xa ở các công ty hay làm ruộng, chăn nuôi… Những điều này ảnh hưởng đến việc học của học sinh, nhiều trẻ bỏ học giữa chừng.
Ông Lon vẫn nhớ trường hợp em Hờ Thị Hơ (sinh năm 2012), người Mông, ở bản Tà Cóm, từng không muốn đến trường học chữ. Do hoàn cảnh gia đình em Hơ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bố, mẹ Hơ qua đời sớm, em phải ở với bác ruột và bà nội.
Hờ Thị Hơ đã có ý định bỏ học. Mặc dù, các thầy giáo đã đến nhà vận động nhiều lần nhưng Hơ vẫn “dùng dằng” chưa muốn đến trường. Sau nhiều ngày kiên trì thuyết phục, Hơ mới chịu quay lại lớp học.

Ở Tà Cóm, những đứa trẻ như Hờ Thị Hơ không ít. Trẻ em thường đối diện với nguy cơ bỏ học vì nhiều lý do: nhà nghèo, thiếu ăn, đường đi quá xa hay bị cha mẹ bắt ở nhà trông em, làm nương. Con chữ chưa đủ mạnh để giữ các em nếu thiếu đi sự đồng hành bền bỉ từ nhà trường và xã hội.
Người giữ lửa tri thức
Tại đây, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ, già làng – ai cũng là người tham gia giữ học trò. Ông Thào A Sự, Trưởng bản Tà Cóm thường xuyên đi khắp ngõ ngách, đến từng nhà nhắc nhở phụ huynh: “Cho con đi học để sau này đỡ khổ, đừng bắt con theo cái nghèo mãi nữa”.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý tâm tư, khi các em đã có ý muốn bỏ học, không thích đi học, việc vận động rất khó khăn. Có những gia đình, chính ông phải đến 2-3 lần mới vận động họ cho con đi học trở lại được.
Lý do học sinh không trở lại trường chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhà neo người. Có trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa cả năm mới về, ở nhà chỉ có ông, bà đã già yếu, hoặc học sinh phải ở nhà giúp đỡ gia đình như bế em, chăn trâu bò, đi làm cùng bố mẹ...

“Có gia đình, khi chúng tôi đến vận động, họ bảo “chịu thôi thầy giáo ạ, nó thích thì đến trường, không thì thôi”. Chính sự thờ ơ của bố mẹ là một trở ngại lớn và chúng tôi phải rất kiên trì thuyết phục.
Có trường hợp, tôi và giáo viên thay phiên nhau đến nhà, mất 3 ngày trời mới vận động thành công một em học sinh đi học lại. Em từng không muốn đến lớp vì dự định đi theo anh chị xuống dưới xuôi làm công ty”, ông Lon chia sẻ.

Chính quyền địa phương cũng tích cực vận động, triển khai các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, cấp phát sách vở, quần áo ấm, khuyến học... Những hoạt động ấy dần dần tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Từ chỗ sợ học, né tránh, nhiều phụ huynh nay đã chủ động đưa con đến lớp, xin giữ con ở lại nội trú.
Giữ được một học sinh ở lại trường là giữ lại một tia hy vọng cho tương lai bản làng. Nhưng chặng đường để những đứa trẻ vùng cao “học đến nơi đến chốn” còn nhiều thử thách phía trước.