Tà Cóm – Nơi con chữ nảy mầm từ sỏi đáBài 4: Đổi thay nhờ con chữ
(CLO) Nép mình giữa trập trùng núi rừng, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, bản Tà Cóm từng là “vùng lõm tri thức” – nơi con chữ từng bị xem là xa xỉ, nơi giấc mơ đến lớp mỏng manh như làn sương sớm bảng lảng trên đỉnh núi. Nhưng giờ đây, giữa gió ngàn và đất đá, từng mầm xanh hy vọng đang vươn mình trỗi dậy từ chính ánh sáng của tri thức.
Từ học sinh trở thành thầy giáo bản
Nhiều năm qua, nhờ kiên trì bám lớp, một số học sinh người Mông ở Tà Cóm đã học xong cấp 2, cấp 3, có em thi đỗ trường nghề, trường cao đẳng. Có người quay lại làm cán bộ xã, y tế bản, giáo viên vùng cao – những tấm gương sáng truyền cảm hứng cho lớp trẻ.

Thầy Sùng A Chai là một trong 5 thầy giáo được phân công dạy ở Tà Cóm, cũng là người bản địa duy nhất ở đây làm thầy giáo. Dáng người nhỏ thó nhưng trông rất già dặn khiến ít ai nghĩ rằng thầy Sùng A Chai năm nay mới 26 tuổi đời. Có lẽ con đường đến với cái chữ quá dài vì khi mới 12 tuổi đã có vợ nên thanh xuân của thầy Chai không được như người khác.
“Bố mẹ đẻ được 6 anh em, mình là con đầu. Ở đây, núi đá hoang sơ, không có ruộng, công việc làm thuê cũng không có nên nghèo mãi từ xưa đến giờ. Học hết tiểu học ở trong bản, mình phải ra Táo (bản Táo, trung tâm xã Trung Lý) học cấp 2.

Bố mẹ có biết đường ra Táo đâu, mình cùng mấy đứa bạn tự rủ nhau đi, rồi rủ nhau dựng lán ở cạnh trường để học. Mà từ nhà ra Táo những 50 km, ngày đó phải đi bộ mất nửa ngày mới tới trường. Thế mà cứ mỗi tuần mình lại về nhà lấy gạo, rồi bố mẹ cho thêm 20.000 đồng ra để mua muối, cá khô ăn”, thầy Chai kể.
Ở Tà Cóm nếu không đi học thì không thoát được nghèo đâu. “Tôi thường nói với bọn trẻ, hãy nhìn vào cuộc đời tôi đã đi qua, đừng lấy vợ quá sớm như tôi, đừng rời xa trường lớp. Có chăng chỉ nhìn vào sự nỗ lực của tôi, dù khó khăn vẫn không từ bỏ con chữ”, thầy Sùng A Chai nói.

Thầy Chai không lựa chọn rời xa nơi mình sinh ra mà quay về Tà Cóm và đã trở thành thầy giáo dạy chữ để thực hiện mong ước mở lối cho những đứa trẻ của bản, chỉ đến với con chữ mới thoát nghèo được.
Con chữ mở cánh cửa tương lai
Giữa cái ảm đạm của núi rừng, điểm trường Tà Cóm nổi bật như một đốm lửa nhỏ nhưng không bao giờ tắt. Trên nền đất đá gập ghềnh, hơn 100 học sinh từ mầm non đến tiểu học đều đặn đến lớp mỗi ngày.

Con số 100% tỉ lệ chuyên cần từng là điều gần như không tưởng với người dân nơi đây nhưng giờ đã thành hiện thực – nhờ sự bền bỉ của thầy cô và cả những đổi thay mang tính chiến lược từ chính sách tỉnh nhà.
Giáo dục không chỉ giúp trẻ em Tà Cóm biết chữ mà còn mở ra một lối đi mới cho cả cộng đồng. Giờ đây, người dân biết đến quyền lợi của mình, biết làm hồ sơ vay vốn, xin giấy tờ, tiếp cận các chính sách nhà nước. Trẻ em biết giữ gìn vệ sinh, biết “có bệnh thì đi trạm y tế”, biết mơ ước xa hơn bếp lửa và ngọn núi trước mặt.
.jpg)
“Bản mình trước chỉ mong no cái bụng, nay con cháu đã dám mơ đi học nghề, học đại học. Có đứa còn nói muốn làm thầy giáo, làm công an. Không có con chữ, làm sao có được giấc mơ đó?” - ông Sùng A Tông, Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm, nói đầy tự tin.
Tà Cóm đang đổi thay từng ngày. Các phòng học được xây mới, mái lợp tôn xanh nổi bật giữa nền trời và núi. Những điều tưởng chừng chỉ có ở phố thị giờ đã hiện hữu trên nẻo cao này. Điểm trường có đủ bàn ghế, có giáo viên bám bản nhiều năm không rời đi.

Quan trọng hơn cả là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền – được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Nghị quyết xác định rõ: phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, lâu dài.
Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên tận tâm, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường lớp, tăng cường hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Nhờ định hướng rõ ràng ấy, Tà Cóm - từ một nơi “thủ phủ của ma tuý” - nay đã có tên trong bản đồ ưu tiên đầu tư. Những lớp học kiên cố không còn là chuyện xa xôi. Những thầy cô yên tâm cắm bản không còn là điều hiếm gặp. Những đứa trẻ được phát áo ấm, sách vở, được đến lớp – tất cả đều là kết quả của một chính sách đúng và một quyết tâm lớn.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng những đổi thay đã thật sự bén rễ - từ trong nhận thức, hành động đến giấc mơ trẻ thơ. Con chữ đã về với bản. Tri thức đã đi vào từng bữa cơm, từng câu chuyện quanh bếp lửa. Từ nơi từng bị gọi là “vùng tối tri thức”, Tà Cóm đang trỗi dậy như những chồi non kiên cường mọc lên từ sỏi đá.