Báo chí - Công nghệ

‏Nghiên cứu: Sử dụng công nghệ đúng mực sẽ làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Trần Hiền (theo ‏CNN, The Guardian)‏ 16/04/2025 06:35

‏(CLO) Trong nhiều năm qua, người ta luôn quan ngại về “chứng mất trí kỹ thuật số”. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã cho thấy điều ngược lại.‏

Một phân tích quy mô lớn dựa trên nghiên cứu trên hơn 400.000 người trưởng thành cho thấy việc sử dụng thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay internet không làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Ngược lại, điều này còn có thể giúp duy trì sức khỏe não bộ ở người cao tuổi.‏

‏Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Jared Benge và tiến sĩ Michael Scullin dẫn đầu đã tiến hành tổng hợp 57 nghiên cứu được công bố từ trước đến nay, liên quan đến thói quen sử dụng công nghệ và tình trạng nhận thức của 411.430 người cao tuổi trên toàn cầu. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour

Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 69. Kết quả cho thấy những người từ 50 tuổi trở lên có thói quen sử dụng thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, internet... có tỷ lệ sa sút trí tuệ thấp hơn rõ rệt so với nhóm ít sử dụng hoặc không sử dụng.‏

‏Điều đáng chú ý là không có nghiên cứu nào trong số 136 tài liệu được phân tích chỉ ra rằng việc sử dụng công nghệ làm tăng nguy cơ suy giảm trí tuệ.‏

‏Tiến sĩ Benge chia sẻ: “Thế hệ đầu tiên được tiếp cận với các công cụ kỹ thuật số lại đang cho thấy mối liên hệ tốt giữa công nghệ với sức khỏe nhận thức. Đây là một thông điệp tích cực hơn rất nhiều so với những lo ngại về việc công nghệ đang làm hỏng bộ não con người”. ‏

785-202504160615351.png
‏Các chuyên gia tin rằng nghiên cứu mới sẽ mở ra cánh cửa mới cho việc thiết kế các biện pháp can thiệp cho những người có nguy cơ suy giảm nhận thức. Ảnh: Unsplash‏

‏Giáo sư Sam Gilbert từ Đại học London cho rằng kết quả nghiên cứu “đã xác lập một mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng công nghệ và khả năng bảo vệ nhận thức tốt hơn ở tuổi già”.

Dù vậy, ông cũng thừa nhận cơ chế chính xác của mối liên hệ này vẫn còn chưa rõ ràng: “Chúng ta chưa thể biết chắc việc sử dụng công nghệ giúp duy trì chức năng nhận thức, hay ngược lại, người có khả năng nhận thức tốt hơn thì dùng công nghệ nhiều hơn, hoặc có thể là cả hai”.‏

‏Dù chưa thể khẳng định vai trò của công nghệ trong việc duy trì chức năng não bộ, các nhà nghiên cứu tin rằng những điều này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Cụ thể, việc sử dụng công nghệ để tra cứu thông tin, gửi email hay tham gia mạng xã hội có thể kích thích não bộ hoạt động, tăng cường tương tác xã hội và giúp người cao tuổi vượt qua những giới hạn do tuổi tác gây ra.

Với người cao tuổi, những hành động đơn giản như đặt lời nhắc uống thuốc, ghi chú công việc hay trò chuyện với con cháu qua điện thoại lại mang đến lợi ích thiết thực, giúp họ thích nghi tốt hơn với những thay đổi do tuổi tác và hỗ trợ duy trì trí nhớ hiệu quả hơn.‏

‏Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng không phải mọi hình thức sử dụng thiết bị công nghệ đều mang lại lợi ích. Việc sử dụng thụ động, chẳng hạn như xem video không chủ đích trong nhiều giờ liền, có thể không mang lại tác dụng tích cực.

Tiến sĩ Scullin lưu ý: “Nếu chúng ta sử dụng thiết bị điện tử như cách đang dùng TV – chỉ ngồi yên và tiếp nhận thông tin một chiều – thì điều đó không hề có lợi. Nhưng nếu ta tận dụng công nghệ để tư duy, tương tác, hỗ trợ trí nhớ đang suy giảm theo tuổi tác, thì đó lại là điều rất tốt cho sức khỏe nhận thức”.‏

Trần Hiền (theo ‏CNN, The Guardian)‏