Tiêu điểm Quốc tế

Liên minh châu Âu chưa thể 'cai' hoàn toàn khí đốt Nga

Hùng Anh 16/04/2025 08:02

(CLO) Các nhà lãnh đạo của các công ty lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thảo luận về khả năng nối lại nhập khẩu nguồn khí đốt từ Nga do lo ngại chính quyền Tổng thống Mỹ Trump có thể sử dụng vấn đề an ninh năng lượng để gây sức ép với châu Âu trong các cuộc đàm phán.

Một đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: TASS

Kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, đồng thời từng bước giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua việc tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang sử dụng vấn đề năng lượng để gây áp lực đối với các doanh nghiệp châu Âu. Điều này đã khiến giám đốc các công ty lớn của EU xem xét về khả năng nối lại nhập khẩu nguồn khí đốt từ Nga, bao gồm cả từ tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom, nhằm giảm sự phụ thuộc ngày càng lớn vào LNG của Mỹ.

Theo Izvestia, các nhà quản lý cấp cao của các công ty Pháp TotalEnergies và Engie đã kêu gọi tăng lượng nhập khẩu từ Nga lên 70 tỷ mét khối mỗi năm. Trước đó, Ủy ban châu Âu một lần nữa đã phải hoãn việc công bố lộ trình “cai” nhiên liệu từ Nga.

Giới chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay, châu Âu chỉ có thể tăng nguồn cung bằng cách khôi phục quan hệ với Nga, từ bỏ các yêu cầu tài chính đối với Gazprom và đưa vào hoạt động Nord Stream.

Theo một cuộc thăm dò của Viện Fors, tại Mecklenburg-Vorpommern, khu vực phía đông nước Đức, nơi đường ống Nord Stream chảy vào bờ từ Biển Baltic, 49% người Đức muốn quay lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Châu Âu “tự bắn vào chân”

Theo Ekaterina Kosareva, Đối tác quản lý của WMT Consult, có vẻ như hiện nay Ủy ban châu Âu đang áp dụng chiến thuật chờ đợi và quan sát trong khi các quốc gia phải hứng chịu cú sốc từ chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump.

“Châu Âu ban đầu đã trải qua một cú sốc năng lượng nghiêm trọng sau khi nguồn cung cấp năng lượng từ Nga bị cắt giảm. Và giờ đây, Tổng thống Trump đang gây sức ép buộc châu Âu phải mua các nguồn năng lượng từ Mỹ với giá 350 tỷ USD. EU đã mất đi một chân, và chắc chắn nền kinh tế châu Âu chưa sẵn sàng cho những hy sinh lớn hơn”, chuyên gia Ekaterina Kosareva nhấn mạnh.

Trước đó vào tháng 1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng, các nước phương Tây đã phải trả giá đắt khi từ bỏ các nguồn năng lượng của Nga. Theo bà, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã giảm khoảng 75%.

785-202504160712501.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: TASS

Giới phân tích cho rằng, việc đề xuất nối lại một phần nhập khẩu năng lượng từ Nga là do các công ty châu Âu lo ngại chính sách thuế quan khắc nghiệt của Mỹ. Vào đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp dụng thuế quan đối ứng với hơn 200 quốc gia. Đối với EU, mức thuế áp dụng là 20%. Sau đó, vào ngày 9 tháng 4, thời điểm các biện pháp này dự kiến có hiệu lực, ông Trump đã tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày, trong thời gian đó, mức thuế quan cơ bản 10% vẫn được áp dụng. Brussels cũng tạm thời đình chỉ việc áp dụng các biện pháp trả đũa.

Ngoài ra, vào ngày 12 tháng 3, Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% đối với 25 tỷ USD thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Brussels áp đặt mức thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu trị giá 22 tỷ USD của Mỹ. Một số mặt hàng sẽ chịu thuế từ ngày 15 tháng 4, một số khác thì từ giữa tháng 5.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất chính sách “thuế quan bằng 0”, nhưng Tổng thống Trump đã bác bỏ vì cho rằng nó không đủ. Ngoài ra, ông Trump còn yêu cầu châu Âu nên mua nguồn năng lượng từ Mỹ trị giá 350 tỷ USD.

Bình luận về yêu cầu này của Mỹ, đại diện của Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen cho rằng, con số 350 tỷ USD khá mơ hồ. Bản thân Ủy ban châu Âu không phải là một tác nhân thị trường, không thảo luận về hợp đồng mua năng lượng. Thay vào đó, hợp đồng năng lượng dựa trên nhu cầu và giá cả, những yếu tố luôn biến động. Rõ ràng, những bình luận trên cho thấy các nước châu Âu đang rơi vào thế khó khi một mặt phải đối phó với sức ép lớn từ Mỹ, mặt khác không thể theo đuổi chiến lược “cai” năng lượng Nga mà giới lãnh đạo các nước này đặt ra.

Mấu chốt nằm ở đường ống Nord Stream 2

Về phía Nga, theo Phó Tổng giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Alexey Grivach, về mặt kỹ thuật không khó để quay trở lại với khối lượng mà các doanh nhân châu Âu đang nói đến. Năm ngoái, khoảng 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga đã được cung cấp cho EU. Sẽ dễ dàng để thêm 20 tỷ mét khối nữa thông qua đường ống còn lại của Nord Stream 2, Ba Lan hoặc Ukraine.

Hiện nay, khối lượng khí đốt chính được vận chuyển qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các hợp đồng với Hungary và Hy Lạp. Chỉ có Phần Lan, Áo và Đức chính thức tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương. Bên cạnh đó, Nga cũng đang có các hợp đồng dài hạn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với Tây Ban Nha, Pháp và một số công ty tư nhân.

785-202504160712502.jpg
Một đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: TASS

Năm 2024, Gazprom đã phá vỡ hợp đồng với các công ty năng lượng khổng lồ của châu Âu. Kể từ khi Gazprom cắt đứt nguồn cung khí đốt cho EU qua Nord Stream do vụ nổ của đường ống này cách đây 2 năm, Uniper của Đức và OMV của Áo đã đệ đơn kiện vào năm 2023. Công ty Đức đã kiện Gazprom với số tiền bồi thường là 13 tỷ Euro, trong khi công ty của Áo kiện với số tiền bồi thường là 230 triệu Euro. Ngoài ra, cuộc chiến pháp lý tiếp tục diễn ra giữa Gazprom với các công ty châu Âu khác, như Eni của Ý và RWE của Đức.

Theo Alexander Frolov, Phó Tổng Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia Nga, khối lượng khiếu nại pháp lý hiện nay đối với Gazprom lên tới gần 15 tỷ Euro. Do đó, ông Frolov cho rằng, để có thể khôi phục hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu cần phải giải quyết mọi khiếu nại pháp lý và cấp giấy phép vận hành Nord Stream 2.

Mặc dù các bên vẫn đang thận trọng, nhưng tình thế có thể thay đổi rất nhanh để Nord Stream hồi sinh, đưa khí đốt Nga sang châu Âu. Bên cạnh nhu cầu của châu Âu trong việc nhập khẩu lại một phần khí đốt từ Nga, một bước ngoặt xảy ra đầu năm nay, khi tòa án Thụy Sĩ đang xử lý vụ phá sản của Công ty Nord Stream 2 AG bất ngờ quyết định hoãn thủ tục thanh lý đến tháng 5. Theo trang Euractive, tòa viện dẫn khả năng “giá trị kinh tế của công ty có thể thay đổi đáng kể” do chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và sự thay đổi lãnh đạo ở Đức.

Ngoài ra, từ đầu năm 2024 nhà đầu tư tài chính Mỹ Stephen Lynch đã đệ đơn xin phép Chính phủ Mỹ để bắt đầu đàm phán mua lại Nord Stream 2. Mặc dù đề xuất chưa được “bật đèn xanh”, song thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin rằng, Mỹ yêu cầu Kiev chuyển đường ống dẫn khí đốt chạy qua lãnh thổ Ukraine sang châu Âu dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Động thái trên cho thấy, Nord Stream 2, đường ống dẫn khí tưởng chừng đã bị “khai tử”, thì nay có thể trở thành “quân bài mới” trong bàn cờ địa chiến lược thế giới giữa các nước lớn.

Hùng Anh