Reuters xây dựng công cụ AI cho nhà báo như thế nào?
(CLO) Reuters đang thay đổi cách báo chí vận hành bằng cách đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào sâu trong quy trình biên tập – từ dưới dạng thử nghiệm cho đến các công cụ AI được nhà báo sử dụng mỗi ngày.
Chiến lược AI của Reuters có ba hướng chủ lực: khuyến khích toàn bộ nhân viên thử nghiệm thông qua nền tảng nội bộ Open Arena; cải tổ quy trình làm việc của phòng tin tức bằng các công cụ AI thiết kế riêng; và tích hợp AI vào các nền tảng phục vụ khách hàng.
Từ khâu viết tiêu đề đến chọn ảnh, lọc nội dung hay đưa tin nóng, AI đang tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất tin tức – nhưng luôn dưới sự giám sát chặt chẽ của con người. Reuters kiên quyết giữ nguyên nguyên tắc “người kiểm duyệt trong cuộc”, bảo đảm AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thay thế con người.
.png)
Những công cụ AI đang được dùng tại Reuters
Một loạt công cụ AI đã được Reuters phát triển và triển khai thẳng vào thực tế phòng tin tức. Đáng chú ý nhất là:
- Fact Genie: Công cụ AI giúp tóm tắt và gợi ý tin tức quan trọng chỉ trong vòng vài giây sau khi nhận được thông cáo báo chí, đề xuất các cảnh báo tin nóng cho phóng viên. Mục tiêu: xuất bản tin đầu tiên trong vòng 6 giây.
- LEON: Trợ lý viết tiêu đề giúp các biên tập viên đưa ra lựa chọn chính xác, hấp dẫn và nhất quán.
- AVISTA: Sử dụng machine learning để tự động tìm kiếm, gắn thẻ và lưu trữ ảnh, video – giúp phóng viên tiết kiệm thời gian lục tìm tư liệu.
Tại phòng tin tức lớn nhất thế giới của Reuters ở Bangalore (Ấn Độ), các công cụ AI này đang được triển khai ở quy mô lớn và thực sự thay đổi cách báo chí được sản xuất theo thời gian thực.
Reuters không “nghiên cứu để đó”. Từ phòng thí nghiệm Thomson Reuters Labs, các nguyên mẫu AI được phát triển và đưa vào phòng tin tức cực kỳ nhanh. Ví dụ, Fact Genie chỉ mất 4 tháng từ lúc lên ý tưởng đến khi triển khai cho hàng trăm nhà báo dùng hàng ngày.
Quy trình này diễn ra nhờ sự phối hợp sát giữa nhà báo, kỹ sư AI và nhóm sản phẩm. Phóng viên cung cấp phản hồi thực tế, sau đó các nhà phát triển liên tục điều chỉnh mô hình AI cho phù hợp. Như Sagar L, quản lý nghiên cứu ứng dụng tại TR Labs, chia sẻ rằng ưu tiên số một là giải quyết vấn đề thật, không làm rối thêm.
AI không thay thế phóng viên, mà giúp họ làm nhanh và chính xác hơn
Reuters giữ nguyên quan điểm: mọi nội dung do AI đề xuất đều phải được con người kiểm tra, biên tập và chịu trách nhiệm. Điều đó không chỉ giúp duy trì độ tin cậy, mà còn khiến AI trở thành một công cụ hiệu quả chứ không phải rủi ro.
Chris Peters, biên tập viên nhóm Speed, cho biết: "Nhờ Fact Genie, các nhà báo có thể tiết kiệm đáng kể thời gian khi xử lý hàng trăm thông cáo báo chí mỗi ngày. Các phóng viên trẻ học nhanh hơn, theo kịp tốc độ công việc nhanh hơn. Các phóng viên kỳ cựu cũng dùng AI như một lớp lọc ban đầu, từ đó tập trung năng lực vào phần phân tích chuyên sâu".
AI giúp xử lý 100.000 bản phát hành mỗi ngày, lọc ra đâu là thông tin thực sự đáng đưa tin, và chỉ đưa những gì có giá trị đến các mô hình lớn như GPT-4. Điều này giúp giảm thời gian tạo tin từ hàng phút xuống chỉ còn 10 giây.
Điều đặc biệt trong cách Reuters triển khai AI là mọi người, kể cả nhà báo không rành công nghệ, đều tham gia được. Nhà báo và nhà khoa học dữ liệu làm việc cùng nhau để tạo ra lời nhắc (prompt) hiệu quả. Nhờ đó, phóng viên hiểu AI hơn, còn kỹ sư AI hiểu rõ nghiệp vụ báo chí hơn.
Trong một nhóm 100 người, đã có 10-15 nhà báo tự viết lời nhắc cho AI, không chỉ để tinh chỉnh Fact Genie mà còn để cải thiện các quy trình làm việc khác.
Dù AI hiện tại đã giúp xử lý nhanh hơn, chính xác hơn, Reuters tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu. Càng nhiều người dùng, càng nhiều cải tiến được đề xuất, và càng nhiều “nỗi đau” trong quy trình làm việc sẽ được AI giải quyết.
Sri Prasad, quản lý cấp cao sản phẩm, chia sẻ: "AI không thể thay thế những sắc thái mà chỉ con người cảm nhận được, nhưng nó giúp loại bỏ các công việc lặp đi lặp lại, mở ra thời gian và không gian cho những phần quan trọng hơn của báo chí".
“Chúng tôi không xây AI để thay con người. Chúng tôi xây AI để giúp con người làm báo tốt hơn”, Euan Rocha, trưởng văn phòng Reuters Bangalore.
Trong kỷ nguyên AI, câu hỏi không còn là “AI có thay nhà báo không?”, mà là “nhà báo sẽ dùng AI để làm tốt hơn đến mức nào?”. Và ở Reuters, câu trả lời đang diễn ra mỗi ngày, ngay trong chính tòa soạn.