Thế giới 24h

Lần đầu quay được loài mực siêu khổng lồ, nặng tới nửa tấn dưới biển sâu

Hoài Phương (theo CNN, Southern Illinoisan) 17/04/2025 10:51

(CLO) Sau hơn một thế kỷ nằm ngoài tầm nhìn của con người và camera, loài mực khổng lồ bí ẩn Mesonychoteuthis hamiltoni cuối cùng cũng lộ diện trong một đoạn phim quý giá được ghi lại tại độ sâu hơn 600 mét gần quần đảo Nam Sandwich.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cảnh quay xác thực về loài sinh vật không xương sống nặng nhất hành tinh này được thực hiện trong chính môi trường sống tự nhiên của nó.

Đoạn phim do phương tiện điều khiển từ xa SuBastian ghi lại vào tháng 3, trong một chuyến thám hiểm của tàu Falkor – thuộc Viện Đại dương Schmidt.

Cá thể mực khổng lồ Mesonychoteuthis hamiltoni chưa trưởng thành lộ diện trong đoạn video được ghi lại tại độ sâu hơn 600 mét gần quần đảo Nam Sandwich. Nguồn: Youtube/Schmidt Ocean

Dù được mệnh danh là “quái vật biển sâu” với chiều dài trưởng thành có thể đạt tới 7 mét và cân nặng hơn 500 kg, cá thể lần này chỉ là một “thiếu niên” dài 30 cm. Nhưng chính sự non trẻ đó lại mang đến một mảnh ghép quan trọng còn thiếu trong bức tranh tiến hóa của loài mực này.

“Nó không còn là một con non, nhưng cũng chưa phải trưởng thành – một cơ hội vàng để quan sát giai đoạn trung gian vốn chưa từng được thấy trước đây”, Tiến sĩ Aaron Evans, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về Cranchiidae (họ mực thủy tinh), chia sẻ đầy phấn khích.

Con mực này đã không còn giữ những đặc điểm "trẻ sơ sinh" như trước nữa — chẳng hạn như đôi mắt từng nhô hẳn ra khỏi đầu bằng cuống. Giờ đây, mắt đã nằm gọn trong đầu, tỉ lệ giữa đầu và thân cũng trở nên cân đối hơn, theo lời Tiến sĩ Aaron Evans.

Dù không tham gia vào chuyến thám hiểm, Evans đã phối hợp cùng Tiến sĩ Kat Bolstad, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), để xác minh danh tính loài này một cách độc lập.

Cá thể mực được ví như tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh. Ảnh: Schmidt Ocean
Cá thể mực khổng lồ Mesonychoteuthis hamiltoni chưa trưởng thành. Ảnh: ROV SuBastian/Viện Đại dương Schmidt

Kho báu của Nam Cực

Không dừng lại ở đó, nhóm khoa học gia còn ghi hình được một cá thể Galiteuthis glacialis – hay mực thủy tinh băng giá – lần đầu tiên trong trạng thái sống, trôi lơ lửng dưới Biển Bellingshausen hồi tháng 1.

Con mực này có dáng vẻ mong manh như thủy tinh, thậm chí biểu diễn cả "tư thế vẹt mào" – một kiểu giơ hai xúc tu lên đầu như thể đang bắt sóng wifi từ vũ trụ. Chính tư thế độc lạ này đã giúp các chuyên gia phân biệt nó với họ hàng gần là mực khổng lồ.

Tiến sĩ Kat Bolstad, người cùng với Evans xác minh hai loài mực, gọi đây là "một trong những quan sát đẹp và mong manh nhất trong sự nghiệp". Những gì họ chứng kiến là thứ mà con người từng chỉ suy đoán: khả năng chuyển đổi giữa trạng thái trong suốt và mờ đục, như một chiến thuật sinh tồn.

“Một trong những điều tôi thích nhất ở đoạn phim này là sự mong manh đến lạ lùng của sinh vật ấy. Nó như một tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh, tinh tế và dễ vỡ. Nhìn loài vật ấy tồn tại, thậm chí phát triển mạnh mẽ trong hình hài mảnh dẻ đến vậy, rồi so sánh với những gì con người phải chuẩn bị chỉ để đơn thuần chạm đến môi trường sống đó... đó thực sự là lời nhắc đầy ấn tượng rằng thiên nhiên vẫn còn quá nhiều điều để ta học hỏi”, Tiến sĩ Kat Bolstad cho biết trong một buổi họp báo.

untitled(1).png
Loài mực thủy tinh băng giá, Galiteuthis glacialis, được ghi nhận ở biển Bellingshausen gần Nam Cực. Ảnh: ROV SuBastian/Viện Đại dương Schmidt

'Trùm cuối' vẫn lẩn trốn

Không có con mực nào được quan sát trong video biến mất hoặc tỏ ra hoảng sợ trước sự hiện diện của phương tiện điều khiển từ xa. Thay vào đó, chúng dường như giữ nguyên vị trí một cách bình tĩnh, đánh giá xem phương tiện có phải là mối đe dọa hay không.

Nhưng một con mực khổng lồ trưởng thành, "trùm cuối" của thế giới mực ống, vẫn lẩn tránh như một bóng ma đại dương. Theo Evans, chính khả năng nhìn siêu nhạy của chúng là lý do chúng tránh được máy quay, và cả con người.

“Chúng biết khi nào có thứ gì đó to lớn tiến lại gần. Và với chúng, đó chưa bao giờ là tin tốt lành”, ông nói.

Tàu Falkor dự kiến sẽ không quay lại Nam Cực cho đến năm 2028. Nhưng trong 4 năm tới, các chuyến lặn ở Nam Đại Tây Dương sẽ vẫn được phát trực tiếp trên YouTube, mở ra cơ hội cho bất kỳ ai, từ nhà khoa học đến người yêu đại dương, đều có thể “rình” khoảnh khắc lịch sử kế tiếp.

Hoài Phương (theo CNN, Southern Illinoisan)