Phát hiện gây chấn động về bằng chứng sống ngoài Hệ Mặt trời
(CLO) Các nhà khoa học vừa phát hiện những dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, và nó đến từ một hành tinh cách chúng ta 124 năm ánh sáng.
Hành tinh này mang tên K2-18 b, thuộc loại “hycean” – một kiểu hành tinh còn rất mới trong thiên văn học, được cho là có đại dương bao phủ và khí quyển giàu hydro.
Nó lớn gấp khoảng 2,6 lần Trái đất và quay quanh một ngôi sao lùn đỏ mờ nhạt trong chòm sao Sư Tử. K2-18 b nằm trong “vùng sống được” – nơi có thể duy trì nước ở dạng lỏng, điều kiện cơ bản để sự sống hình thành.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Nikku Madhusudhan từ Đại học Cambridge đã sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) để phân tích thành phần khí quyển của K2-18 b. Họ phát hiện sự hiện diện của các phân tử methane (CH₄) và carbon dioxide (CO₂) – hai khí có thể được tạo ra bởi cả quá trình sinh học lẫn địa chất.
Nhưng đặc biệt nhất là tín hiệu yếu ớt của một phân tử gọi là dimethyl sulfide (DMS) – một hợp chất mà trên Trái đất chỉ được sản sinh bởi các sinh vật sống, chủ yếu là sinh vật phù du trong đại dương. DMS có mùi giống như bắp cải luộc và thường liên quan đến quá trình trao đổi chất sinh học.
Nếu tín hiệu DMS là thật, đây sẽ là bằng chứng hóa học mạnh mẽ nhất từng được phát hiện về hoạt động sống trên một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Nhóm nghiên cứu khẳng định xác suất đây là nhiễu loạn ngẫu nhiên chỉ khoảng 0,3%.
.png)
Đây không phải lần đầu K2-18 b trở thành tâm điểm chú ý. Năm 2019, kính Hubble từng phát hiện hơi nước trong khí quyển của hành tinh này. Đến năm 2023, JWST tiếp tục ghi nhận methane và CO₂, làm dấy lên giả thuyết rằng hành tinh có thể có một đại dương dưới lớp khí quyển hydrogen — cấu trúc rất lý tưởng cho sự sống vi sinh vật.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn giữ thái độ cẩn trọng. Việc xác nhận có sự sống ngoài Trái đất là điều vô cùng nghiêm túc, và bất kỳ tín hiệu nào cũng cần được kiểm chứng qua nhiều lần quan sát độc lập.
Một số chuyên gia cho rằng DMS có thể được tạo ra mà không cần sinh vật sống, dù khả năng đó là rất hiếm. Ví dụ, hợp chất này từng được phát hiện trong thành phần sao chổi, nơi không có điều kiện sống.
Mặt khác, vẫn còn khả năng dữ liệu bị nhiễu hoặc được giải thích sai, do việc đo lường từ khoảng cách quá xa luôn tiềm ẩn sai số. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục sử dụng kính Webb trong năm 2025 để thu thập thêm dữ liệu nhằm xác nhận sự tồn tại thật sự của DMS.
Dù chưa thể tuyên bố chắc chắn, giáo sư Madhusudhan khẳng định: “Nếu DMS được xác nhận là có thật, thì đây sẽ là bước tiến lớn nhất mà nhân loại từng đạt được trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất”.