Đời sống văn hóa

Tôn vinh Hát Tuồng Bội: Di sản phi vật thể quốc gia từ lòng dân Hưng Trạch

Trần Phong 17/04/2025 20:37

(CLO) Chiều 17/4, lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Hát Tuồng Bội diễn ra trang trọng tại xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Hát Tuồng Bội – một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo – bắt đầu xuất hiện tại Hưng Trạch từ thế kỷ XVI. Loại hình này có nguồn gốc từ nghệ thuật biểu diễn cung đình, gắn với giới quý tộc và trí thức thượng lưu, nhưng đồng thời lại hòa quyện sâu sắc vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân bình dị, tạo nên sự giao thoa đặc sắc giữa nghệ thuật bác học và nghệ thuật dân gian.

images810921_d3_t.jpg
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho xã Hưng Trạch.

Các tích tuồng truyền thống thường chứa đựng thông điệp nhân văn sâu sắc, phản ánh tình yêu quê hương, thiên nhiên, khát vọng hạnh phúc lứa đôi, nghĩa tình vợ chồng và mong ước mùa màng tươi tốt. Với âm sắc vừa trầm hùng vừa sâu lắng, các vở tuồng không chỉ gây xúc động mạnh mẽ mà còn khơi dậy những rung cảm đẹp đẽ trong lòng người xem.

Dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, Hát Tuồng Bội vẫn giữ được vị thế trong đời sống văn hóa cộng đồng. Loại hình nghệ thuật này đã trở thành biểu tượng tinh thần của người dân Hưng Trạch – vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa – góp phần hun đúc tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu quê hương và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo huyện Bố Trạch nhấn mạnh: Việc Hát Tuồng Bội xã Hưng Trạch được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là vinh dự lớn lao đối với địa phương, mà còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật dân gian này trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để di sản xứng tầm với danh hiệu được trao tặng, địa phương xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy là trách nhiệm lâu dài. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận; đồng thời đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho các câu lạc bộ, nghệ nhân.

images810923_d5.jpg
Tặng hoa chúc mừng Câu lạc bộ Hát Tuồng Bội xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch)

Ngoài ra, việc gắn kết bảo tồn di sản với phát triển du lịch cũng được xem là hướng đi bền vững. Tạo môi trường thuận lợi để thanh thiếu niên tiếp cận, học hỏi và thực hành nghệ thuật Hát Tuồng Bội sẽ góp phần bảo vệ một phần hồn cốt văn hóa của quê hương Hưng Trạch – nơi đang gìn giữ một báu vật sống của nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

Trần Phong