Chiến thắng chấn động địa cầu
(NB&CL) Ngay sau khi cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam kết thúc, hãng tin Pháp AFP trong bài viết về sự kiện này đã nhấn mạnh: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam - “dư chấn” rung động địa cầu”.
Sài Gòn đã thay tên và bộ mặt thế giới cũng đổi thay
Đó là nhìn nhận của tờ Paris hàng ngày của Pháp. Tờ báo này trong bài viết xuất bản ngày 3/5/1975 đã viết: “Sài Gòn đã thay tên và bộ mặt thế giới cũng đổi thay. Di chúc của Bác Hồ - Người đã từ trần 6 năm - đang trở thành hiện thực”.
Tờ Thời báo Los Angeles ngày 1/5/1975 viết: “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt…”.

Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, số ra ngày 30/4/1975, ngay trên trang nhất đã đưa tin về Chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Báo đã đăng tải dòng chữ lớn: “Thắng lợi quyết định của nhân dân Việt Nam, Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện”. Tờ báo này cũng khẳng định: “Bác Hồ không sống được đến giờ phút lịch sử này của dân tộc Việt Nam nhưng cố gắng của Người, sự lãnh đạo và tư tưởng của Người là linh hồn của thắng lợi”…
Nhiều năm sau đó, mỗi khi đến dịp 30/4, báo Granma cũng như rất nhiều tờ báo Cuba đã luôn có những có bài viết ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng 30/4, báo đăng tải bài viết “Việt Nam, thiên anh hùng ca của ngày hôm qua và hôm nay” của nữ nhà báo nổi tiếng Marta Rojas rất thân thuộc với Việt Nam. Bài báo có đoạn viết: “Dân tộc Việt Nam, một trong những dân tộc nghèo nhất và chịu nhiều khổ đau nhất, đã chiến thắng đế quốc Mỹ trong một cuộc chiến không cân sức khi mà quân đội Mỹ đã sử dụng tới những vũ khí tối tân nhất. Đây cũng là thất bại quân sự và chính trị lớn nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ”. Bài báo nhấn mạnh: “Chủ nghĩa anh hùng quật cường của dân tộc Việt Nam không những được thể hiện trong chiến tranh mà còn cả trong hòa bình là một tấm gương. Sự phát triển vĩ đại của dân tộc Việt Nam đoàn kết xứng đáng được kính trọng”.

Tháng 9/2023 - đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, một sự kiện rất ý nghĩa với Bảo tàng Báo chí Việt Nam là sự kiện Giáo sư Shunsuke Murakami - Giáo sư danh dự khoa Kinh tế học, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội, Đại học Senshu, Nhật Bản - trao tặng cho Bảo tàng toàn bộ bài báo trên tờ Asahi Shimbun được ông cắt dán cẩn thận trong cuốn sổ nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và sự kiện chiến thắng 30/4/1975.
Đơn cử trong ngày 1/5/1975, tờ Asahi Shimbun bình luận về sự kiện: “Thành tựu của cách mạng Đông Dương chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không lường được, không chỉ đối với châu Á mà còn đối với toàn bộ nền chính trị quốc tế sau này”. Việc tờ báo hằng ngày của Nhật Bản có lượng phát hành lớn đưa tin về chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam tạo ra sức ảnh hưởng không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên thế giới. Sau này, trong số ra ngày 1/5/2000- đúng dịp 35 năm sự kiện 30/4, tờ Asahi Shimbun đăng bài xã luận trong đó khẳng định: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.
Minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất, sức mạnh đại đoàn kết không gì lay chuyển của dân tộc Việt Nam
Đó là khẳng định của học giả Argentina- ông Ezequiel Ramoneda - điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Ramoneda cũng cho rằng trên nền tảng chiến thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam đã xây dựng đất nước ngày một phát triển, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Về sự kiện 30/4, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Dương cũng từng nhận định: “Sự kiện 30/4 gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”. Ông Larry Berman, nhà sử học Mỹ, trong cuốn sách No Peace, No Honor (Không hòa bình, Không danh dự), nhìn nhận: Chiến thắng của Việt Nam trước một siêu cường như Mỹ là “kỳ tích không thể tưởng tượng nổi”.
Năm 2010, sau 35 năm sự kiện 30/4, Giáo sư Cốc Nguyên Dương - chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc nghiên cứu về Việt Nam- cũng bày tỏ nhìn nhận, chiến thắng 30/4/1975 là sự kiện lịch sử trọng đại mang tầm thế giới. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng ngời cho nhân dân thế giới trong cuộc tranh đấu giành lấy hòa bình, chống lại chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Với nhân dân Việt Nam và với nhân dân Trung Quốc, đây lại là sự kiện trọng đại làm nức lòng người. Với chiến thắng 30/4/1975, nhân dân Việt Nam đã mang lại niềm tự hào cho người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Năm 2020, nhân 45 năm sự kiện 30/4, Giáo sư, Tiến sĩ sử học Trường Đại học tổng hợp Saint Petersburg (LB Nga) Vladimir Kolotov khẳng định, chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam là một chiến thắng lịch sử với đầy đủ ý nghĩa của từ này, bởi đó là một cuộc đấu tranh kéo dài vì tự do và thống nhất đất nước trước đối thủ rất mạnh. “Đây là một chiến thắng cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa địa - chính trị đối với cả khu vực và thế giới” - Giáo sư Kolotov nhấn mạnh.