Công tác hội

Khát vọng vươn tầm trong kỷ nguyên mới

Hà Vân 21/04/2025 06:00

(NB&CL) Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, nhìn về hành trình 75 năm Hội Nhà báo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, để thấy rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong mọi sự biến động của thời cuộc xưa – nay, “mái nhà chung” của những người làm báo luôn không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế trong đời sống báo chí nói riêng và xã hội nói chung.

Chính tâm thế luôn chuyển động phát triển ấy sẽ tạo đà cho một hành trình tiếp bước đưa Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới.

1. Trong “ngôi nhà kí ức” – Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chúng tôi bắt gặp một chặng đường rực rỡ “đồng hành cùng dân tộc” của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam bắt đầu từ dấu mốc ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) được tổ chức tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên… cho đến hôm nay, trong đó có rất nhiều những dấu ấn đáng nhớ. Ngày 21/4/1950 trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp. Từ dấu ấn này, trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, những người làm báo với hành trang của vừa cầm bút, vừa cầm súng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng…

cmyk6(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 3 (9-1962). Ảnh tư liệu
cmyk1(3).jpg
Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Hội báo Xuân 1993. Ảnh: TL

Bước vào thời kỳ đổi mới, với quy mô phát triển mới của nền báo chí và chất lượng đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao, Hội Nhà báo Việt Nam kiên định với mục tiêu hành động trong việc tập hợp đội ngũ người làm báo dưới ngọn cờ tư tưởng của Đảng. Trong thời kì này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển của Báo chí và nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong thời kỳ mới, Chỉ thị 37 – CT/TW ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá IX) về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị số 919/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia; Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương...

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 8/4/2020 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội trong tình hình mới, có tính định hướng và chỉ đạo sâu sát với hoạt động Hội, hoạt động báo chí. Chỉ thị 43CT/TW cùng với Luật Báo chí và nội dung 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đây chính là 3 văn bản quan trọng của Đảng - Nhà nước - Hội Nhà báo Việt Nam tạo thế kiềng 3 chân. Là cây gậy chỉ đường soi rọi và là cơ sở vững chắc cho người làm báo yên tâm, tự tin, chủ động, sáng tạo trong quá trình làm báo của mình.

cmyk3(2).jpg
Lễ Khánh thành Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Điềm Mặc ngày 20/4/2005. Các đồng chí Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hồng Vinh tham dự. Ảnh: TL

2. Với những nỗ lực không ngừng, Hội Nhà báo Việt Nam được Đảng, Nhà nước ghi nhận với rất nhiều phần thưởng cao quý. Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2000), HNBVN đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Bức Trướng với dòng chữ vàng “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng trao tặng trong Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2000) giống như một chỉ dấu vẻ vang mà những người làm báo trân trọng, gìn giữ. Tối 21/6/2010, tại lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010), ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí, Đảng và Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quí cho giới báo chí cách mạng Việt Nam…

cmyk2(2).jpg
Giới báo chí Việt Nam đã vinh dự được đón nhận Huân chương Sao Vàng tại Lễ kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010).

Những phần thưởng cao quý động viên, khích lệ kịp thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đội ngũ báo chí nước nhà, cũng là thể hiện trách nhiệm, sự nỗ lực không ngừng của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam trong hành trình đồng hành cùng dân tộc.

cmyk7.jpg
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24 và 25-3-2000 tại Hà Nội. Ảnh: HNBVN

3. Hành trình trải qua 11 kỳ Đại hội, ngôi nhà chung của giới báo chí đã không ngừng được củng cố, lớn mạnh, tập hợp những người làm báo trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt dấu ấn Đại hội XI với phương châm hoạt động “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng…

Đặc biệt khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới với thế và lực mới. Suốt 75 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực… khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống báo chí nói riêng và xã hội nói chung.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, giới báo chí đứng trước áp lực cạnh tranh thông tin với sự phát triển không ngừng của truyền thông trong nước và quốc tế, của mạng xã hội… Điều này đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu mới với Hội Nhà báo Việt Nam trong việc xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam bắt nhịp với nhiệm vụ.

cmyk4(1).jpg
Ban Chấp hành Hội Nhà báo khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Sơn Hải

4. Hoạt động báo chí và hoạt động Hội đang đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen và sự đồng hành cùng đất nước không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh cao cả của Hội Nhà báo Việt Nam, của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả sứ mệnh đó, hướng đến 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, hơn lúc nào hết, người làm báo cần tiếp tục giữ vững vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phản ánh trung thực, đáp ứng kịp thời, sâu sắc các vấn đề đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hôm nay. Hoạt động báo chí và hoạt động công tác Hội cũng cần chủ động chuyển đổi số, đổi mới phương thức hoạt động để bắt kịp xu hướng truyền thông hiện đại, khẳng định vai trò là nguồn tin chính thống, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, các luồng thông tin sai lệch…

Như lời gửi gắm trong bức thư chúc mừng của Cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thật vô cùng ý nghĩa: “Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam và các hội viên cả nước, phát huy truyền thống cách mạng của mình, xây dựng Hội ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh; không ngừng chăm lo, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên. Các cấp Hội, mỗi nhà báo hãy thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, để thật sự là địa chỉ tin cậy trong hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo…”.

cmyk5(1).jpg
Bức trướng 6 chữ vàng và tấm huân chương cao quý mà Hội Nhà báo Việt Nam được trao tặng được treo trang trọng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ba

Có thể nói, lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam gắn bó mật thiết với lịch sử 100 năm không ngừng lớn mạnh, đổi mới của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong dòng chảy 75 năm với khát vọng vươn tầm trong kỷ nguyên mới, những người làm báo tự hào về nguồn cội, thêm động lực đắp bồi cho hành trình khát vọng vươn lên. Những chỉ dấu đẹp đẽ của quá khứ như lời nhắc nhớ mỗi người phải tiếp tục gìn giữ và phát huy vai trò và sứ mệnh “đồng hành cùng dân tộc” của báo chí Việt Nam.

Hà Vân