Thế giới 24h

Tòa án Tối cao Mỹ vẫn chưa chấp thuận lệnh hạn chế quyền công dân theo nơi sinh

Cao Phong (theo NPR, NYT, SCMP) 18/04/2025 11:17

(CLO) Hôm 17/4, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định giữ nguyên lệnh cấm đối với sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm hạn chế quyền công dân theo nơi sinh, đồng thời lên lịch tranh luận về vấn đề này vào ngày 15/5.

Sắc lệnh của ông Trump, được ký vào ngày 20/1 ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, nhằm tìm cách chấm dứt quyền công dân tự động cho trẻ em sinh ra tại Mỹ nếu cha mẹ chúng cư trú bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ba tòa án cấp quận tại Maryland, Massachusetts và Washington đã ra lệnh cấm thực thi sắc lệnh này trên toàn quốc, và các tòa phúc thẩm cũng từ chối đảo ngược các phán quyết này.

www.thetransmitter.org-wp-content-uploads-2019-05-_20190504-38families844.jpg
Trẻ em da màu tại Mỹ. Ảnh: TT

Chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Tòa án Tối cao thu hẹp phạm vi các lệnh cấm, cho phép áp dụng chính sách ở một số khu vực trong khi các vụ kiện tiếp diễn. Đây dự kiến sẽ là trọng tâm của phiên tranh luận vào tháng 5.

Quyền công dân theo nơi sinh, được quy định trong Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ, đảm bảo rằng bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Mỹ đều tự động trở thành công dân Mỹ, bất kể tình trạng nhập cư của cha mẹ. Tu chính án này được thông qua năm 1868, sau cuộc Nội chiến Mỹ, nhằm đảm bảo quyền công dân cho những người Mỹ gốc Phi được giải phóng.

Trong sắc lệnh, ông Trump gọi quốc tịch Mỹ là “món quà vô giá và sâu sắc”, nhấn mạnh cần có các tiêu chuẩn khắt khe hơn để trở thành công dân Mỹ.

Các tổ chức quyền nhập cư và 22 bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo đã kiện sắc lệnh của ông Trump, cho rằng nó vi phạm Hiến pháp. Các thẩm phán liên bang, như John Coughenour ở Seattle, gọi sắc lệnh là “hiển nhiên vi hiến”. Nếu được thực thi, chính sách này có thể ảnh hưởng đến hơn 150.000 trẻ sơ sinh mỗi năm, theo ước tính từ các bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo.

Quyền công dân theo nơi sinh, hay “jus soli” (quyền theo đất), là nguyên tắc pháp lý lâu đời ở Mỹ, được áp dụng tại khoảng 30 quốc gia, bao gồm Canada và Mexico.

Cao Phong (theo NPR, NYT, SCMP)