Đời sống văn hóa

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Nghệ sĩ phải ý thức rõ trách nhiệm xã hội khi tham gia quảng cáo

Bài và ảnh: Trung Nguyễn 18/04/2025 14:15

(CLO) Gần đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị dư luận chỉ trích khi tham gia quảng cáo sai sự thật các sản phẩm thực phẩm chức năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng. Phóng viên Báo Nhà báo và Công Luận đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để làm rõ vấn đề này.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm chức năng?

PGS. TS Bùi Hoài sơn: Đây không chỉ là một hiện tượng thương mại thiếu kiểm soát, mà nghiêm trọng hơn, đó là biểu hiện của sự xuống cấp trong đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội hiện đại. Việc nghệ sĩ – những người có ảnh hưởng lớn đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ – sẵn sàng sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng bá cho những sản phẩm chưa được kiểm chứng rõ ràng về chất lượng, không có nguồn gốc minh bạch, thậm chí là gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng như một số dòng sữa vừa qua, là điều vô cùng đáng báo động.

Trước hết, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, người nghệ sĩ không chỉ là một cá nhân nổi tiếng, mà họ là người định hướng dư luận, người có khả năng dẫn dắt niềm tin xã hội, người được công chúng yêu mến không chỉ vì tài năng mà còn vì nhân cách. Vì vậy, mỗi sản phẩm mà nghệ sĩ lựa chọn quảng bá không đơn thuần là một hợp đồng kinh doanh, mà còn là một cam kết đạo đức đối với cộng đồng. Khi nghệ sĩ tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, họ đã phản bội lòng tin của công chúng – điều quý giá nhất mà bất kỳ người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nào cũng cần trân trọng và gìn giữ.

son_2004_9_2.jpeg
PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ ngày nay không chỉ hiện diện trên sân khấu hay màn ảnh, mà còn hiện diện trên nền tảng mạng xã hội, trong cuộc sống đời thường của hàng triệu khán giả. Và chính vì vậy, hình ảnh của họ gắn liền với sự lựa chọn tiêu dùng, với xu hướng sống và thậm chí với cả cách nhìn nhận đúng – sai của công chúng. Khi họ dùng sự nổi tiếng để “gắn mác tin cậy” cho những sản phẩm chưa qua kiểm định, thì điều họ bán ra không chỉ là sản phẩm – mà là niềm tin. Và khi niềm tin đó bị lừa dối, sự tổn thương không thể đo đếm được bằng tiền.

Về sâu xa, tôi cho rằng đây là biểu hiện rõ rệt của một cuộc khủng hoảng giá trị. Khi sự nổi tiếng được đặt cao hơn trách nhiệm xã hội, khi lợi nhuận trở thành thước đo duy nhất cho các lựa chọn nghề nghiệp, thì nền tảng đạo đức – vốn là cốt lõi của văn hóa – bắt đầu bị lung lay. Đáng lo ngại hơn, các hành vi sai trái của nghệ sĩ nếu không bị xử lý nghiêm minh sẽ tạo ra một hiệu ứng xã hội méo mó, khiến người trẻ học theo những con đường thành công “ngắn hạn”, dựa trên chiêu trò thay vì thực lực, dựa vào đánh bóng hình ảnh hơn là sự cống hiến thật sự.

Đây không còn là vấn đề cá nhân của một vài nghệ sĩ, mà là vấn đề của văn hóa xã hội, nơi chuẩn mực hành xử đang bị thử thách nghiêm trọng. Và nếu chúng ta không sớm lên tiếng, không kịp thời điều chỉnh, thì rất có thể, lòng tin của xã hội vào những điều tử tế sẽ bị xói mòn từng chút một.

PV: Việc quảng cáo sai sự thật về công năng của sữa, lừa dối người tiêu dùng thể hiện sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức của nghệ sĩ trong xã hội. Ông có đánh giá thế nào về thực trạng này?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật về công dụng của sữa – một loại sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già – là biểu hiện rõ ràng và nghiêm trọng của sự xuống cấp văn hóa và đạo đức nghề nghiệp trong giới nghệ sĩ hiện nay. Đây không đơn thuần là một lỗi kỹ thuật truyền thông, mà là một hành vi đánh đổi lương tri lấy lợi nhuận, gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho toàn bộ nền tảng đạo đức của xã hội.

Trước hết, phải khẳng định rằng người nghệ sĩ, một khi đã sử dụng danh tiếng và hình ảnh cá nhân để đại diện cho một sản phẩm, thì họ không còn là “người đứng ngoài” nữa. Họ không thể nói rằng “tôi không biết”, hay “tôi chỉ đọc theo kịch bản”. Bởi lẽ, chính sự nổi tiếng của họ là lý do khiến người tiêu dùng tin tưởng, mua hàng, và sẵn sàng chi trả. Vì vậy, mỗi lời quảng cáo sai sự thật – dù là vô tình hay cố ý – đều là hành vi tiếp tay cho sự lừa dối công chúng.

Ở góc độ văn hóa, đây là biểu hiện của một sự rạn vỡ nghiêm trọng trong hệ giá trị. Nghệ thuật vốn dĩ là nơi cao quý, nơi con người vươn tới cái đẹp, cái thật và cái thiện. Nhưng khi nghệ sĩ – người tạo ra nghệ thuật – lại trở thành người lan truyền những điều sai sự thật, thì không chỉ nghề nghiệp của họ bị hoen ố, mà niềm tin của xã hội vào văn hóa cũng dần mất đi ánh sáng.

Sự xuống cấp này còn gây ra hệ lụy sâu rộng trong nhận thức của giới trẻ. Những người đang nuôi dưỡng ước mơ làm nghệ thuật, nếu chứng kiến hết nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác "thành công" bằng việc quảng cáo sản phẩm sai, lách luật, thao túng dư luận mà không bị xử lý nghiêm minh, thì họ sẽ mang theo những ngộ nhận nguy hiểm trên hành trình làm nghề của mình: rằng đạo đức có thể mặc cả, và niềm tin có thể được quy đổi bằng tiền.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận sự việc không chỉ ở khía cạnh quản lý truyền thông, mà ở chiều sâu văn hóa và đạo đức xã hội. Cần phải khẳng định rằng: nghệ sĩ không được miễn trừ trách nhiệm, và càng nổi tiếng thì càng phải chuẩn mực trong hành vi. Họ phải là người gìn giữ những giá trị tốt đẹp, không thể trở thành người gieo rắc sai lệch chỉ vì một vài hợp đồng có thù lao cao.

Nếu xã hội tiếp tục dễ dãi, nếu cơ quan quản lý tiếp tục chậm trễ, nếu người tiêu dùng tiếp tục bị lừa dối mà không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, thì sự suy đồi đạo đức trong văn hóa đại chúng sẽ không còn là nguy cơ – mà là thực tại đáng sợ.

Ảnh màn hình 2025-04-18 lúc 12.09.12
"Việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật về công dụng của sữa – một loại sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già – là biểu hiện rõ ràng và nghiêm trọng của sự xuống cấp văn hóa và đạo đức nghề nghiệp trong giới nghệ sĩ hiện nay", PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết. Ảnh: chụp màn hình

PV: Một số nghệ sĩ như Quyền Linh, Doãn Quốc Đam, BTV Quang Minh, Vân Hugo… đã và đang bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý để “lấy lại quyền lợi cho người tiêu dùng”. Theo ông, những nghệ sĩ bị “dính phốt quảng cáo sữa sai sự thật" có tác động tới xã hội ra sao, nhất là đối với thế hệ trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật…

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, việc những nghệ sĩ như Quyền Linh, Doãn Quốc Đam, BTV Quang Minh, Vân Hugo… bị cơ quan chức năng điều tra vì liên quan đến quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là với các sản phẩm sữa kém chất lượng, không chỉ là một sự kiện truyền thông gây xôn xao dư luận, mà thực chất là một vấn đề mang tính xã hội và văn hóa sâu sắc. Đây không còn là chuyện riêng của một cá nhân hay một vài nghệ sĩ, mà là vấn đề của uy tín cộng đồng, của đạo đức nghề nghiệp và của định hướng giá trị cho cả một thế hệ đang theo đuổi nghệ thuật.

Những cái tên được nêu – Quyền Linh, Quang Minh, Vân Hugo… – đều là những gương mặt từng được xem là “hình mẫu truyền cảm hứng”, là người đại diện cho sự tử tế, chỉn chu, gần gũi và được công chúng đặc biệt yêu mến. Việc họ “dính phốt” không chỉ khiến khán giả bất ngờ, thất vọng, mà quan trọng hơn, gây ra một cú sốc lớn đối với niềm tin xã hội, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghệ sĩ “nổi nhanh, lụi nhanh” vì bê bối đạo đức. Khi những người từng được coi là biểu tượng chuẩn mực bị đặt dưới điều tra, thì rất dễ khiến công chúng rơi vào trạng thái hoài nghi, mất phương hướng và lạnh nhạt dần với giới làm nghệ thuật.

Tác động nguy hiểm nhất chính là đối với thế hệ trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật. Các bạn trẻ bước vào nghề với lý tưởng đẹp đẽ: muốn cống hiến, muốn được công nhận, muốn được yêu thương bằng tài năng và sự tử tế. Nhưng khi họ chứng kiến những nghệ sĩ nổi tiếng – những người mà họ từng ngưỡng mộ, học hỏi – lại vướng vào "lùm xùm" quảng cáo gian dối, tiếp tay cho sản phẩm sai phạm, thậm chí gây hại cho sức khỏe cộng đồng, thì chính những lý tưởng ấy có nguy cơ bị lung lay.

Rồi từ đó, có thể nảy sinh những ngộ nhận rất lệch lạc: rằng trong môi trường showbiz, đạo đức là thứ yếu; rằng kiếm tiền nhanh quan trọng hơn giữ gìn hình ảnh; rằng khán giả có thể dễ quên nếu mình nổi tiếng đủ lâu. Và như thế, một thế hệ mới của nghệ thuật – thay vì được xây dựng trên nền tảng của tài năng và trách nhiệm – lại dễ bị cuốn vào cuộc đua danh tiếng – lợi nhuận, nơi mọi thứ có thể mặc cả, kể cả lương tri.

Việc cơ quan chức năng vào cuộc là cần thiết – không chỉ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn để làm trong sạch môi trường văn hóa, giữ lại sự trong lành và tử tế cho nghề. Quan trọng hơn, xã hội cần những tấm gương mới – là những nghệ sĩ dám nói không với cái sai, dám giữ gìn chuẩn mực sống và hành nghề bằng chính tài năng và bản lĩnh của mình.

PV: Việc nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sữa sai sự thật, lừa dối khách hàng là một hành động xấu đã và đang diễn ra trong một vài năm trở lại đây. Theo chuyên gia, phải chăng do sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội khiến đạo đức của con người bị suy đồi, vì lợi nhuận kinh tế mà đánh mất đi đạo đức của chính mình?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Câu hỏi này chạm đúng vào một thực tế rất đáng suy ngẫm trong đời sống văn hóa hiện đại. Đúng là sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã tạo ra một môi trường “hai mặt” – vừa là cơ hội để lan tỏa điều tử tế, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho những biến tướng đạo đức, nơi giá trị con người có thể bị bóp méo bởi cám dỗ của tiền bạc và danh tiếng.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chỉ với một chiếc điện thoại, một tài khoản mạng xã hội, một đoạn livestream, một video viral... là một người có thể nổi tiếng chỉ sau một đêm. Và cũng từ đó, sự nổi tiếng trở thành “một loại hàng hóa” – có thể mua bán, định giá, trao đổi. Với những nghệ sĩ đã có sẵn danh tiếng, mạng xã hội lại càng là “cỗ máy kiếm tiền” hiệu quả. Họ không cần xuất hiện trên sân khấu, không cần ra sản phẩm nghệ thuật mới, mà chỉ cần quảng bá một sản phẩm qua livestream cũng có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Và chính điều đó đã dẫn đến một thực tế đáng buồn: đạo đức nghề nghiệp bị thử thách, và không ít người đã đánh mất chính mình vì lợi nhuận.

Khi nghệ sĩ sẵn sàng dùng hình ảnh của mình để quảng cáo cho loại sữa không rõ nguồn gốc, thổi phồng công dụng chữa bệnh, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng – trong đó có cả trẻ em và người già – thì đó không còn là hành vi thiếu hiểu biết, mà là một sự phản bội đối với niềm tin công chúng. Nó phản ánh rõ một thực trạng: lợi ích kinh tế đang được đặt lên trên lương tri, còn sự nổi tiếng bị biến thành công cụ để thao túng thị trường, lừa dối người dân.

Đáng nói là, mạng xã hội lại có xu hướng “bình thường hóa” những hành vi sai trái nếu không được kiểm soát kịp thời. Một nghệ sĩ dính phốt hôm nay, có thể lặng lẽ trở lại sau vài tháng, tiếp tục quảng cáo những sản phẩm mới, và vòng lặp lại tiếp diễn. Không có chế tài nghiêm khắc, không có ranh giới rõ ràng, không có quy chuẩn đạo đức bắt buộc, thì mạng xã hội không chỉ là nơi truyền thông tin, mà còn là nơi tiếp tay cho sự tha hóa.

Tuy nhiên, tôi không cho rằng lỗi nằm ở mạng xã hội. Bởi công nghệ, suy cho cùng, chỉ là công cụ. Cái quyết định vẫn là con người. Sự biến tướng đạo đức không xuất phát từ nền tảng số, mà từ việc thiếu bản lĩnh trước cám dỗ, thiếu trách nhiệm với vai trò xã hội, và thiếu nhận thức về hậu quả mà hành vi của mình gây ra.

Do đó, điều cần thiết nhất hiện nay không phải là quay lưng với mạng xã hội, mà là xây dựng lại một hệ giá trị vững vàng cho người làm nghệ thuật trong kỷ nguyên số. Trong đó, đạo đức nghề nghiệp phải là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển bền vững, chứ không thể chỉ dựa vào độ hot hay lượng người theo dõi.

PV: Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, đất nước chúng ta cần có hướng xử lý thế nào để căn cơ, đồng bộ triệt để, đồng thời siết chặt và xử lý triệt để hiện tượng nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Để xử lý căn cơ, đồng bộ và triệt để hiện tượng nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật – một hiện tượng đang gây bức xúc và làm xói mòn niềm tin trong xã hội – chúng ta cần một hệ thống giải pháp toàn diện, đi từ hành lang pháp lý, cơ chế thực thi, đến ý thức văn hóa và trách nhiệm xã hội, chứ không thể chỉ dừng ở mức xử lý vụ việc một cách riêng lẻ, giật gấu vá vai.

Trước hết, về mặt pháp luật, cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và hoàn thiện Luật Quảng cáo theo hướng siết chặt trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng bá sản phẩm, đặc biệt là nhóm thực phẩm chức năng – vốn rất nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Pháp luật cần quy định rõ ràng và minh bạch về trách nhiệm liên đới của nghệ sĩ, KOLs, người có ảnh hưởng khi quảng bá sai sự thật, đồng thời có chế tài xử phạt đủ mạnh, không chỉ dừng ở mức phạt hành chính, mà có thể tiến tới cấm tham gia quảng cáo trong một khoảng thời gian cụ thể, thậm chí xử lý hình sự nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.

Ảnh màn hình 2025-04-18 lúc 12.10.51
Việc nghệ sĩ dùng hình ảnh cá nhân để quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng (sữa) gây ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ tương lai đang theo đuổi con đường nghệ thuật. Ảnh: chụp màn hình

Thứ hai, bên cạnh luật, cần xây dựng một hệ thống giám sát và cảnh báo xã hội hiệu quả hơn, với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Phải thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, xử lý nhanh, minh bạch, công khai các trường hợp vi phạm để răn đe và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Việc công khai danh sách nghệ sĩ vi phạm cũng là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hoạt động văn hóa – truyền thông.

Thứ ba, vai trò của các hội nghề nghiệp và tổ chức tự quản trong lĩnh vực nghệ thuật cần được nâng cao. Hội Nghệ sĩ, Hội Truyền thông – Quảng cáo... cần có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cụ thể, yêu cầu hội viên cam kết không tham gia quảng bá sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng công dụng, đặc biệt là nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc xử lý theo luật, hội nghề nghiệp cần có hình thức kỷ luật nội bộ, đình chỉ hoạt động, thậm chí tước danh hiệu nếu cần thiết.

Thứ tư, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nghệ sĩ, người nổi tiếng, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng mở rộng và tác động đến đời sống công chúng lớn chưa từng có. Nghệ sĩ cần hiểu rằng: mỗi hành vi, mỗi phát ngôn, mỗi lần quảng cáo của họ không chỉ là hành vi cá nhân, mà có thể trở thành tiền lệ xã hội, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của hàng triệu người. Do đó, họ phải biết từ chối những hợp đồng quảng cáo không rõ ràng, phải chủ động kiểm chứng sản phẩm và đặt tiêu chí đạo đức lên trên lợi ích kinh tế.

Thứ năm, người tiêu dùng và công chúng cũng cần nâng cao nhận thức, không thần tượng mù quáng, không tin vào mọi sản phẩm chỉ vì một người nổi tiếng giới thiệu. Sự tỉnh táo và phản ứng đúng mực của công chúng sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ, tạo áp lực xã hội tích cực buộc họ phải hành xử có trách nhiệm hơn.

Cuối cùng – và điều quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng lại niềm tin xã hội bằng việc kiên quyết bảo vệ những giá trị chuẩn mực, không nhân nhượng với bất kỳ hành vi gian dối nào, bất kể người đó là ai, nổi tiếng đến đâu. Một nền văn hóa lành mạnh chỉ được tạo nên khi pháp luật nghiêm minh, công luận tỉnh táo và người hoạt động văn hóa sống có trách nhiệm.

Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng không chỉ giải quyết được hiện tượng quảng cáo sai sự thật, mà còn góp phần xây dựng một môi trường nghệ thuật, truyền thông trong sạch – nơi người nghệ sĩ không chỉ được yêu mến vì nổi tiếng, mà được kính trọng vì sống tử tế. Và đó chính là con đường bền vững mà văn hóa Việt Nam cần hướng tới trong thời đại mới.

- Xin cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Trung Nguyễn