Thế giới 24h

Tại sao Nga không còn coi Taliban là khủng bố?

Hoài Phương (theo DW, TASS) 18/04/2025 15:20

(CLO) Ngày 17/4, Tòa án Tối cao Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm của Nga đối với Taliban, khép lại hơn 20 năm bị liệt vào diện cấm cửa tại Nga.

Động thái này không phải là một bước ngoặt bất ngờ, mà là kết quả của nhiều năm Nga từng bước xích lại gần Taliban vì lợi ích chính trị và chiến lược.

Việc xóa tên Taliban khỏi danh sách khủng bố có ý nghĩa rất lớn về mặt pháp lý. Trước đây, bất kỳ ai ở Nga hợp tác với Taliban đều có thể bị phạt tù. Nay, tất cả các giao dịch, hợp đồng kinh tế giữa Nga và Afghanistan do Taliban kiểm soát đều hợp pháp hóa hoàn toàn.

Trên thực tế, Nga đã âm thầm ký nhiều hợp đồng cung cấp dầu, lúa mì và phân bón cho Afghanistan từ năm ngoái.

Nga cũng đang tính đến bước tiếp theo: dỡ lệnh cấm đối với nhóm Hayat Tahrir al-Sham – lực lượng kiểm soát tỉnh Idlib (Syria). Một khi hoàn tất, Nga sẽ dễ dàng thiết lập các kênh đối thoại và thỏa thuận với chính quyền tại Syria mà không cần qua trung gian phương Tây.

untitled(3).png
Đại diện Taliban tham dự các cuộc đàm phán quốc tế tại Moscow vào năm 2021 để giải quyết hòa bình ở Afghanistan. Ảnh: TASS

Việc Taliban vẫn bị phần lớn thế giới cô lập đến nay xuất phát từ chính cách cai trị của họ: đàn áp quyền phụ nữ, chà đạp tự do ngôn luận và tạo ra một xã hội tăm tối cho nhiều người Afghanistan. Nhưng với Nga, điều quan trọng hơn là: ai đang cầm quyền và liệu có thể hợp tác để phục vụ lợi ích chiến lược của Moscow hay không.

Chuyên gia Trung Đông Ruslan Suleymanov cho biết, cho đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp của Afghanistan. Nhưng ông nói thêm, Taliban đang cố gắng chấm dứt tình trạng cô lập quốc tế của họ. Họ đã thuyết phục Kazakhstan và Kyrgyzstan xóa nhóm này khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc gia của họ.

Ông cảnh báo, "cho đến nay họ chỉ nhận được sự công nhận gián tiếp. Ví dụ, Trung Quốc đã đồng ý chấp nhận đại sứ do Taliban bổ nhiệm, trong khi Nga chỉ chấp nhận một đại biện lâm thời".

Taliban từng là kẻ thù không đội trời chung với Moscow. Đầu những năm 2000, nhóm này hỗ trợ các chiến binh Chechnya nổi dậy chống Nga và từng công nhận chính phủ ly khai Chechnya.

Chính vì vậy, năm 2003, Nga đưa Taliban vào danh sách khủng bố, cấm tuyệt đối mọi hình thức hợp tác. Nhưng đến năm 2015, Điện Kremlin đã bắt đầu thiết lập "các kênh liên lạc" với Taliban.

Theo luật pháp Nga, bất kỳ thành viên Taliban nào nhập cảnh vào Nga đều phải bị bắt và có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm vì tội tham gia hoạt động khủng bố. Tuy nhiên trên thực tế, không có thành viên Taliban nào bị bắt giữ khi nhập cảnh vào Nga kể từ năm 2016.

Đó cũng là lúc Điện Kremlin mở các cuộc đàm phán không chính thức với Taliban. Kể từ đó, đại diện Taliban đã nhiều lần đến thăm Moscow và St. Petersburg. Đặc biệt, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế 2024 – một trong những sự kiện quan trọng nhất của Nga – đại diện Taliban đã xuất hiện công khai.

Hoài Phương (theo DW, TASS)