Trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
(CLO) Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 18/4/2025 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ thông qua dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 1195/TTr-BNV ngày 10/4/2025.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về việc tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật và các văn bản liên quan trình Quốc hội theo quy định.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội về dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.
Trước đó, tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Nội vụ đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung các nhóm vấn đề.
Đáng chú ý, để bảo đảm cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Theo đó, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Cơ bản giữ như quy định hiện hành. Dự thảo Luật chỉ đề xuất tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và bổ sung quy định Ủy viên của Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Đối với chính quyền địa phương cấp cơ sở: Dự thảo Luật đề xuất quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) cơ bản thiết kế như đối với HĐND và UBND cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn.
Theo đó, số lượng đại biểu HĐND cấp cơ sở tối đa là 40 đại biểu (riêng đối với các xã do có vị trí biệt lập không tiến hành tổ chức lại nếu có quy mô dân số ít thì cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành); HĐND cấp cơ sở có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp cơ sở được tổ chức các cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.
Dự thảo Luật kế thừa quy định hiện hành về kỳ họp thường lệ của HĐND mỗi năm ít nhất 2 kỳ và họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.