Nga vẫn phụ thuộc vào các dòng xe tăng cũ trên chiến trường Ukraine
(CLO) Nga vẫn đang sử dụng các dòng xe tăng chủ lực cũ, bao gồm T-72, T-80 và T-90, trong cuộc chiến tại Ukraine, dù phải đối mặt với những vũ khí chống tăng hiện đại.
Khi xung đột ở Ukraine kéo dài sang năm thứ tư, xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) vẫn là trụ cột nơi tiền tuyến, cả Nga lẫn Ukraine đều tiếp tục tung xe bọc thép ra trận.
Từ những xe tăng “cổ vật” thời Thế chiến II cho đến các mẫu hiện đại hơn của Chiến tranh Lạnh, mọi loại xe tăng đều được tận dụng, dù nhiều chiếc đã thành mồi ngon cho UAV và tên lửa chống tăng phương Tây.
Dù đã mất hàng nghìn xe bọc thép, Nga vẫn phụ thuộc vào bộ ba quen thuộc: T-72, T-80 và T-90. Mỗi dòng xe tăng này đều có lịch sử lẫy lừng, nhưng cũng đang bộc lộ điểm yếu rõ rệt trước công nghệ hiện đại.
Xe tăng T-72
T-72, mẫu xe tăng ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh, vẫn đang đóng vai trò xương sống trong đội hình tăng thiết giáp Nga. Biến thể T-72B3 – bản nâng cấp phổ biến hiện nay – được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực nâng cấp, pháo nòng trơn 2A46M5 1255mm và kính ngắm nhiệt cải tiến.
.png)
Nhưng dù được nâng cấp với các tính năng bảo vệ mới, T-72 vẫn phải vật lộn để chống lại vũ khí chống tăng do phương Tây cung cấp được Ukraine triển khai. Trên thực địa, nhiều chiếc T-72 trở thành xác thép cháy đen vì không kịp phản ứng với các UAV cảm tử hoặc đòn phục kích bất ngờ.
Xe tăng T-80
Xe tăng T-80 có thiết kế dựa phần lớn trên các nguyên mẫu từ thời Liên Xô và mang nhiều nét giống với "người anh em" T-72. Khi mới ra đời, T-80 từng bị chê vì ngốn nhiên liệu, nhưng sau nhiều đợt nâng cấp, nó đã được trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn và các lớp giáp bảo vệ cải tiến.
.png)
Trong đó, đáng chú ý nhất là giáp phản ứng nổ Kontakt-1 – loại giáp có khả năng kích nổ trước để làm chệch hướng hoặc vô hiệu hóa tên lửa chống tăng. Ban đầu, T-80 được thiết kế để đối đầu với phương Tây, nhưng sự tan rã của Liên Xô khiến chiếc xe tăng này đến tận năm 1994 mới lần đầu tham chiến ở Chechnya.
Xe tăng T-90
T-90 là thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực thứ ba của Nga, được kỳ vọng sẽ vượt xa các mẫu xe thời Liên Xô cả về hỏa lực lẫn khả năng sống sót trên chiến trường.
Phiên bản mới nhất – T-90M, còn gọi là Proryv-3 – được trang bị pháo 125mm có thể bắn các loại đạn HE, HE-FRAG và APFSDS với tầm bắn xa hơn, độ xuyên phá cao hơn. Xe cũng sở hữu hệ thống phòng vệ hiện đại như Shtora-1, bao gồm cảnh báo laser, phóng khói tự động và đèn hồng ngoại gây nhiễu.
.png)
Dù được xem là một trong những xe tăng nguy hiểm nhất của Nga hiện tại (ngoài T-14 Armata), T-90 lại không gặt hái được chiến tích vang dội ở Ukraine. Theo dữ liệu từ Oryx – tổ chức chuyên theo dõi tổn thất quân sự bằng nguồn mở, Nga đã mất ít nhất 175 chiếc T-90 kể từ khi xung đột bắt đầu.
Xe tăng T-14 Armata (chưa xuất hiện)
Hiện, mẫu T-14 Armata, được Nga và các chuyên gia đánh giá là xe tăng hiện đại nhất thế giới, song lại gần như chưa xuất hiện trên chiến trường.

Cụ thể, từng được quảng bá là "tương lai của lực lượng tăng thiết giáp Nga", T-14 Armata gần như chưa xuất hiện tại Ukraine ngoài một vài lần thử nghiệm giới hạn vào năm 2023.