Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Khát vọng thống nhất, hòa hợp dân tộc qua mỗi bức ảnh
(NB&CL) Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022 với tác phẩm “Hai người lính” gồm 4 bức ảnh: “Tay bắt mặt mừng”, “Hai người lính”, “Cầu Quảng Trị” và “Những bàn tay lưu luyến”. Những bức ảnh lịch sử ấy của ông đã toát lên khát vọng hòa bình, hòa hợp, ước mơ thống nhất non sông.
Ghi lại năm tháng hào hùng bằng những bức ảnh lịch sử
Trong những ngày cả nước chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được gặp nhà báo Chu Chí Thành bên những bức ảnh và những cuốn sách ghi lại năm tháng hào hùng không thể nào quên. Ký ức của những người làm báo khi ra trận, khí thế hào hùng của những năm tháng ấy vẫn chưa xa. Hồi ức về trận chiến đấu ác liệt năm nào ùa về.
Được sống trong bầu không khí hòa bình ngày hôm nay, nhà báo Chu Chí Thành vẫn luôn khắc khoải, xót xa khi nhắc nhớ về những người đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh. Trong thâm tâm ông vẫn còn đó sự tiếc nuối, còn những điều mà ông nghĩ mình có thể làm tốt hơn, trọn vẹn hơn nếu quay lại ngày đó.

Nhà báo Chu Chí Thành sinh năm 1944 tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1967. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chàng trai năm đó đã lăn xả khắp các trận địa từ Hà Nội vào Nghệ An đến Quảng Bình, Quảng Trị suốt những năm 1967-1973.
Suốt thời gian tác nghiệp, ông đã đi vào những nơi khói lửa, hiểm nguy để chụp ảnh đưa tin, trong đó không ít lần hụt chết. Tuy nhiên, những chuyến đi của nhà báo Chu Chí Thành không chỉ có những cảnh đánh nhau dữ dội, mà ông còn ghi lại những khoảnh khắc mang màu sắc hòa bình, hòa hợp dân tộc của những người lính ở hai chí tuyến. Sau ngày ký Hiệp định Paris, ông được lãnh đạo TTXVN cử đi tác nghiệp về cuộc trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn và ghi lại hình ảnh, đưa tin về việc thi hành Hiệp định Paris ở Quảng Trị.
Hôm đó, ông và đồng nghiệp đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, ông đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn đi qua “giới tuyến” sang địa phận quân Giải phóng chơi. Khi tốp lính Sài Gòn sang, mấy anh bộ đội của ta ra đón. Họ hồ hởi nói chuyện với nhau. Rồi những người lính Sài Gòn vui vẻ bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch.
Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Tôi đã giơ máy ảnh lên bấm máy, ghi lại hình ảnh các chiến sĩ quân Giải phóng, nữ du kích của ta “tay bắt mặt mừng” với những người lính Cộng hòa trong không khí vui vẻ, như chưa từng có sự phân chia thù địch. Trong không khí vui vẻ ấy, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một người lính Giải phóng và đề nghị tôi chụp cho một kiểu ảnh. Tôi đã ngay lập tức chụp lại khoảnh khắc hai người lính đó khoác vai nhau và bức ảnh “Hai người lính” ra đời. Lúc đó tôi nghĩ rằng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa”.
Viết tiếp câu chuyện ngày hôm nay
Thời điểm trước ngày 30/4/1975, nhà báo Chu Chí Thành được cơ quan gọi về cử đi học tại Trường Đại học Hà Nội, khi nghe được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đổ ra đường cùng với mọi người đón nhận niềm vui của dân tộc. Trong ngày vui thống nhất của người dân cả nước ông vẫn không thể quên và biết ơn sự đùm bọc của những đồng đội trước đây.
Luôn nghĩ mình may mắn, nhớ về ngày lịch sử trọng đại - ngày hội thống nhất non sông, nước mắt ông vẫn tuôn trào. Nước mắt đó là của niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc được chờ đợi qua bao năm dài đằng đẵng với bao mất mát hy sinh, chứng kiến những đồng đội ngã xuống. Đó là những tích tụ trong mình nhiều năm để rồi vỡ òa trong một khoảnh khắc.

Khi hòa bình lập lại, trở lại công việc làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam, ông luôn mong muốn được tri ân những đồng đội ngã xuống, nhất là những nhà báo hy sinh ở các chiến trường. Thời điểm làm Trưởng Ban biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam) cho đến khi về hưu, ông đã dành thời gian để đi sưu tầm lại toàn bộ những bức ảnh của hàng chục nhà báo đã ngã xuống ở khắp các chiến trường. Với mong muốn không để những tác phẩm của họ bị chìm vào lãng quên, những tác phẩm mà để có được họ phải vượt qua bao khó khăn gian khổ, được tạo nên từ mồ hôi xương máu.
Ông luôn tâm niệm nếu mình không cố gắng sưu tầm thì ai làm, sẽ không ai biết tới, nhắc đến tên nhà báo liệt sỹ là chưa đủ, mà còn phải nhớ đến những tác phẩm họ để lại. Thứ sống mãi với sự nghiệp báo chí cách mạng là những tác phẩm, vì nhờ có tác phẩm các thế hệ sau này có cơ hội nhớ về những người đã ngã xuống.
Nhà báo Chu Chí Thành tâm sự: “Trong những tác phẩm nhiếp ảnh lịch sử trong chiến tranh của đất nước là máu, là nước mắt của chính những người trong ảnh và cả những người cầm máy ảnh. Trong chiến tranh, người làm nhiếp ảnh được đất nước giao cho nhiệm vụ ghi lại lịch sử, ghi lại công lao của những anh hùng dân tộc, những người đã ngã xuống”.
Tính đến nay nhà báo Chu Chí Thành đã cho xuất bản nhiều đầu sách, tập hợp những tác phẩm của các nhà báo liệt sỹ, như cuốn: “Ký ức chiến tranh”; “Sống mãi với những tấm ảnh để lại”; “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”… Ở đó có những bức ảnh mà nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá như “được sống lại không khí lịch sử bi tráng của dân tộc, sức mạnh nghệ thuật của những tập ảnh là sự chân thực một cách tự nhiên, không dàn dựng, không bố trí, không cường điệu, đau đớn và lạc quan, hi sinh và khí phách”.
Không chỉ tâm huyết với việc tìm lại những tác phẩm của đồng đội, ông còn cùng với gia đình các nhà báo hiện còn sống và nhà báo liệt sỹ làm hồ sơ xét tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật trong lĩnh vực Nhiếp ảnh. Và không chỉ hỗ trợ nhà báo hy sinh trong chiến tranh, ông còn hỗ trợ nhà báo khi trở về nhưng không còn lành lặn, thậm chí có nhà báo về lấy vợ sinh con nhưng không may nhiễm chất độc da cam, vì thế Giải thưởng Hồ Chí Minh như để an ủi phần nào về tinh thần. Mỗi nhà báo được xét duyệt và được tôn vinh, ông coi đó là niềm vinh dự khi mình được đóng góp một phần nhỏ bé cho những con người đã đi qua chiến tranh…