Hàng giả - kẻ giết người giấu mặt giữa đời thường!
(CLO) "Thuốc giả, sữa giả, hàng giả" đang gieo rắc nỗi đau có thật, từng ngày, từng giờ âm thầm bào mòn sức khỏe, mạng sống của biết bao con người. Có thể nào, những kẻ đứng sau các đường dây sản xuất hàng giả lại bình thản nhấp chén trà, ngồi cười đắc ý trên những đồng tiền nhuốm máu, bất chấp phía sau đó là tiếng khóc ai oán của biết bao gia đình?
1. Chưa bao giờ sự phẫn nộ của xã hội lại dâng cao như những ngày qua, khi hàng loạt vụ án sản xuất, buôn bán thuốc và sữa giả bị cơ quan công an lật tẩy. Ngày 16/4, Thanh Hóa rúng động với vụ phát hiện gần 10 tấn thuốc tân dược giả, thuốc chữa xương khớp giả. Một con số kinh hoàng, bởi đằng sau mỗi viên thuốc ấy, có thể là một bệnh nhân đang níu kéo tia hy vọng sống sót cuối cùng. Những kẻ buôn bán thuốc giả đã tước đi quyền sống của con người một cách lạnh lùng, vô cảm.

Chưa kịp nguôi giận, xã hội lại bàng hoàng khi một đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả bị phanh phui. Sữa - thứ nuôi dưỡng từng giọt máu, từng tế bào non nớt của trẻ thơ - lại bị biến thành thứ hàng giả, rẻ tiền, chứa đựng hiểm họa khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hãy thử hình dung: một em bé sơ sinh, vì uống phải sữa giả, còi cọc, bệnh tật quặt quẹo... Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi này? Ai sẽ trả lại tuổi thơ khỏe mạnh cho các em?
"Một viên thuốc giả, một thìa sữa giả... cũng có thể cướp đi cả một mạng người!"- câu nói này, đáng lẽ phải được khắc sâu trong lòng mỗi người, để không ai có thể vô tình hay cố ý nhắm mắt làm ngơ.
Mấy ngày qua, cư dân mạng không giấu được sự kinh hoàng, giận dữ tột cùng khi những thông tin này được công bố. Một tài khoản có tên T.L viết trên mạng xã hội: "Con tôi uống sữa bột mỗi ngày, nghĩ tới khả năng có thể con từng uống phải sữa giả mà tôi rùng mình. Sao người ta có thể tàn nhẫn tới vậy?". Một người khác, anh N.M, bức xúc bình luận: "Thuốc chữa bệnh mà cũng làm giả, không khác gì giết người! Những kẻ này phải bị xử thật nặng, không thể dung tha".
Trên các diễn đàn sức khỏe, nhiều người cũng chia sẻ nỗi hoang mang khi từng mua phải thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Một độc giả trên diễn đàn có hơn hai trăm ngàn thành viên bày tỏ: "Thật kinh hoàng, người bệnh đã khổ rồi, còn bị lừa mua thuốc giả thì có khác nào chờ chết! Cơ quan chức năng không thể để tình trạng này tái diễn mãi được".
2. Chuyện "hàng giả" không mới, nhưng vết thương vẫn rỉ máu. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư giả, hay những hộp sữa Hà Lan, viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả… từng làm dậy sóng dư luận. Thế nhưng, sau mỗi vụ án khép lại, lại có những vụ khác tiếp nối với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, bất nhân hơn.
Sự tinh vi ấy đến từ việc lợi dụng triệt để tâm lý người tiêu dùng, đánh vào niềm tin mù quáng qua những "vỏ bọc hoàn hảo": giấy tờ hợp pháp, bao bì bắt mắt, tem chống hàng giả tưởng chừng chuẩn xác, thậm chí có cả sự tiếp tay của những "gương mặt quen thuộc". Nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, sữa giả còn được quảng cáo công khai trên mạng xã hội, được các KOL, người nổi tiếng giới thiệu, livestream bán hàng với những lời lẽ hoa mỹ, có cánh, đánh trúng tâm lý người mua: "Hàng nhập khẩu chính hãng, bác sĩ khuyên dùng, nghệ sĩ A, ca sĩ B đã dùng!".
Thậm chí, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả còn tìm cách lách luật, lập công ty ma hoặc núp bóng dưới dạng cơ sở sản xuất hợp pháp, xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm bằng cách sử dụng hồ sơ giả, bao bì, mẫu mã hoàn toàn giống thật đến mức nhiều khi cả nhân viên bán hàng cũng không nhận ra.

3. Người xưa có câu "Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo". Những đồng tiền làm từ nỗi đau của người khác, sớm muộn cũng sẽ phải trả giá. Cái giá của những kẻ bán hàng giả không chỉ là bản án của pháp luật mà còn là bản án của lương tâm, của cộng đồng. Không ít kẻ sau khi bị pháp luật trừng trị phải rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, bị xã hội phỉ nhổ và phải sống trong những ngày dằn vặt vì tội lỗi.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào những cái kết có hậu từ pháp luật. Bởi khi đồng tiền làm mờ mắt, những kẻ xấu sẽ không dừng lại nếu không có sự tỉnh táo và quyết liệt của cả xã hội.
Hàng giả sống được là nhờ hai "lá phổi" - lòng tham của kẻ sản xuất và sự chủ quan, cả tin của người tiêu dùng. Có lẽ đã đến lúc, mỗi người cần phải khắc ghi bài học đắt giá này: "Tiền mất có thể kiếm lại, mạng sống không có lần thứ hai!".
Mọi người cần học cách trở thành người tiêu dùng thông thái. Đừng chỉ vì rẻ mà chọn mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc; đừng vì tiện mà mua hàng qua các kênh thiếu kiểm chứng. Đặc biệt, khi đó là thuốc và thực phẩm - những thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng - sự cẩn trọng cần phải gấp trăm, gấp ngàn lần.
4. Từ vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư giả đến đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, những đại án liên tiếp vỡ lở cũng đặt ra câu hỏi nhức nhối: phải chăng đang có lỗ hổng trong quy trình kiểm tra, xét duyệt, cấp phép lưu hành thuốc, sữa, thực phẩm chức năng? Nếu các cơ quan kiểm định, xét duyệt giấy phép làm việc nghiêm túc, chặt chẽ ngay từ đầu, liệu có còn đất sống cho những kẻ sản xuất hàng giả ngang nhiên tung hoành, gây họa cho cộng đồng?
Sau mỗi vụ việc bị phát hiện, tất cả lại hướng mắt về chính quyền, sốt sắng chờ đợi những hành động quyết liệt. Dù rất nhiều chỉ đạo nhanh chóng đã được đưa ra, không ít kẻ xấu đội lốt doanh nhân đạo mạo bị pháp luật trừng trị, nhưng người dân mong đợi nhiều hơn ở những con số ấy.
Hơn lúc nào, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc, triệt để, thậm chí đề xuất tăng nặng hình phạt đối với tội phạm hàng giả, bởi đây không đơn thuần là một hành vi gian thương, mà là hành vi giết người gián tiếp, có tổ chức.
Việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa minh bạch, ứng dụng công nghệ số vào kiểm tra, giám sát sản phẩm trên thị trường phải là một hướng đi cấp thiết. Đồng thời, quy trình xét duyệt cấp phép lưu hành cho thuốc, sữa và thực phẩm chức năng… cũng cần được siết chặt, không để những kẽ hở chết người tồn tại, tiếp tay cho những kẻ vô lương tâm.

5. Có những cái chết không tiếng súng, không vết dao, không máu chảy... nhưng lại thầm lặng, day dứt, đau đớn hơn bất kỳ bản án nào. Một viên thuốc giả ai đó nuốt vào với hy vọng níu giữ sự sống, cuối cùng lại rơi vào vực thẳm. Một thìa sữa giả cha mẹ rót vào bình sữa, trao cho con bằng tất cả tình thương, mà không biết đang tiếp tay cho kẻ sát nhân giấu mặt.
Hàng giả hàng ngày vẫn len lỏi khắp mọi ngõ ngách, khoác lớp vỏ bọc tinh vi và được tiếp tay bởi lòng tham, sự bất nhân của những kẻ coi đồng tiền hơn mạng người. Nó không chỉ đánh cắp tiền bạc, nó cướp đi sức khỏe, mạng sống lẫn cả tương lai của những con người lương thiện. Và khi tội ác ấy còn tồn tại, sẽ còn những trái tim rỉ máu, sẽ còn những giấc ngủ chập chờn của người mẹ, người cha ngóng con trong vô vọng.
Có một thực tế lo ngại rằng, chúng ta, ai rồi cũng có thể là nạn nhân, nếu không thức tỉnh ngay từ bây giờ.
Tục ngữ có câu: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Cuộc chiến chống hàng giả chưa bao giờ dễ dàng, nhưng không thể không làm một cách mạnh mẽ và quyết liệt, bởi đó là cuộc chiến vì sự sống, vì một xã hội lành mạnh, vì tương lai của con em chúng ta.
Không khoan nhượng trước hàng giả; chặn đứng từ gốc, diệt tận rễ, trước khi nó kịp gieo thêm đau thương cho đồng bào mình là trách nhiệm của mọi người.
Từ hôm nay, chúng ta cần nhận diện rõ ràng, kiên quyết vạch trần, loại bỏ nó khỏi cuộc sống này, để những người dân lương thiện không còn phải nếm trải những bi kịch đau lòng chỉ vì một viên thuốc, một hộp sữa, một sản phẩm tưởng chừng vô hại. Và để xã hội này không còn chỗ cho thứ tội ác nhuốm máu đó tồn tại.