Hướng dẫn tra cứu thực phẩm bảo vệ sức khỏe để phát hiện hàng giả, hàng lậu
(CLO) Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra hướng dẫn nhằm giúp người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), từ đó tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu.
Theo quy định, TPBVSK chỉ được lưu thông trên thị trường khi được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm bởi Cục An toàn thực phẩm. Ngoài ra, nếu sản phẩm có hoạt động quảng cáo, cũng cần được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Để tra cứu thông tin về thuốc và nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại Việt Nam, người dân có thể thực hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý Dược qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index.
Tại đây, người dùng chọn mục “Đăng ký thuốc”, sau đó truy cập phần “Tra cứu số đăng ký”. Việc tra cứu có thể thực hiện bằng cách nhập tên thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký hoặc số đăng ký lưu hành như VN-…, VD-…, QLSP-…
Sau khi điền đầy đủ thông tin cần tìm và nhấn “Tìm kiếm”, hệ thống sẽ hiển thị kết quả bao gồm các thông tin quan trọng như tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất. Ngoài ra, người tra cứu còn có thể xem mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt để đối chiếu và kiểm chứng độ chính xác của sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi sử dụng, đặc biệt chú ý đến các thông tin quan trọng như tên sản phẩm, thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản và đối tượng sử dụng.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng, số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo nếu có, cùng với tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất.
Trên nhãn cũng bắt buộc phải ghi rõ cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” để tránh gây hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình tra cứu thông tin vẫn còn nhiều bất cập. Một số sản phẩm dù đã được cấp số tiếp nhận vẫn không thể tìm thấy đầy đủ dữ liệu trên hệ thống. Các thông tin quan trọng như mã số thuế hay giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhiều khi chỉ hiển thị trạng thái “đang cập nhật”, gây khó khăn cho người sử dụng khi muốn kiểm chứng tính minh bạch của sản phẩm.