Đời sống

Trí tuệ nhân tạo tái hiện hình ảnh, giọng nói người đã mất

Quang Hùng 19/04/2025 13:20

(CLO) trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp tái hiện lại hình ảnh, giọng nói của người đã mất.

Với nhiều người con, nỗi day dứt lớn nhất là không được ở bên cạnh bố mẹ ở những giây phút cuối của cuộc đời. Nhiều người chỉ còn cách tưởng nhớ bố mẹ, người thân thông qua những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian.

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp tái hiện lại giọng nói của người đã mất. Nhờ đó, sự ân hận, day dứt của những người còn được vơi bớt đi phần nào.

1.png
Hình ảnh được tạo bởi AI.

Trên thực tế, công nghệ tái hiện giọng nói của người đã mất được hiện thực hóa chỉ mới vài năm gần đây. Một trong những “ông lớn” đi đầu trong công nghệ này là Amazon, với trợ lý ảo Alexa.

Vào năm 2022, Amazon mô tả hệ thống AI mới cho phép trợ lý ảo Alexa có thể học theo bất kỳ giọng nói nào sau khi nghe đoạn ghi âm thời lượng khoảng một phút của người đó.

Đây có thể xem như một công cụ "hồi sinh" người đã khuất lại bằng phương tiện kỹ thuật số, giúp người dùng có thể lưu giữ thêm ký ức, nhất là với những ai đã qua đời trong đại dịch.

Tại Việt Nam, công nghệ này đã được một số doanh nghiệp trong nước áp dụng, đơn cử ứng dụng Lạc Hồng Viên được tích hợp trí tuệ nhân tạo, trong đó có thể tái tạo được giọng nói của người đã mất.

Ông Nguyễn Thế Phan, Giám đốc phát triển Dự án này cho biết, ứng dụng là một bước tiến đột phá trong việc kết nối, lưu giữ "sợi dây" gắn kết, giữ gìn tình thân theo cách hiện đại, nhân văn và đầy cảm xúc.

"Công nghệ AI giúp tái tạo hình ảnh người đã mất từ dữ liệu ảnh lưu trữ; tổng hợp giọng nói, giọng điệu từ các đoạn ghi âm, video, tạo ra cuộc đối thoại nhân tạo, cho phép thân nhân có thể gọi điện và "nói chuyện" với người thân đã khuất", ông Phan cho hay.

Theo ông Phan, đây không chỉ là một bước tiến công nghệ, mà là một hành trình cảm xúc sâu sắc, nơi người ở lại có thể bày tỏ nỗi nhớ, tâm tư, điều chưa kịp nói… Giống như một "liều thuốc tinh thần" giúp xoa dịu nỗi đau, nâng đỡ cảm xúc đầy nhân văn.

Người con xúc động khi có thể "trò chuyện" với người cha đã khuất thông qua AI

Anh Nguyễn Vĩnh Quỳnh (46 tuổi, ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) có mộ phần cha đặt tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (ở Hòa Bình) từ năm 2011.

Bằng ứng dụng công nghệ tích hợp AI, qua màn hình máy tính bảng, hình ảnh người cha hiện lên trả lời các câu hỏi của mình khiến anh Quỳnh không kìm được nước mắt khi xúc động.
Bằng ứng dụng công nghệ tích hợp AI, qua màn hình máy tính bảng, hình ảnh người cha hiện lên trả lời các câu hỏi của mình khiến anh Quỳnh không kìm được nước mắt khi xúc động.

Mới đây anh Quỳnh nhận được thông tin từ phía nghĩa trang về việc có thể "trò chuyện" với người cha đã khuất thông qua AI. Trước màn hình máy tính bảng - nơi mà chỉ vài giây sau, hình ảnh cha anh hiện lên với gương mặt quen thuộc, ánh mắt trìu mến, trong veo và đặc biệt là giọng nói chẳng khác gì giọng cha anh khi còn sống, anh Quỳnh đã không kìm được nước mắt.

Anh Quỳnh xúc động nói: Gia đình tôi có truyền thống phục vụ trong quân ngũ. Ngày cha mất (năm 2011), tôi đang trực chiến xa nhà, không thể về chịu tang. Đến khi cha yên nghỉ ở Hòa Bình, tôi mới có thể trở về nhà để "gặp" cha.

"Hôm nay, gặp lại cha qua màn hình, giọng nói của cha tôi vẫn dịu dàng pha chút nghiêm khắc như ngày nào. Còn tôi thì lặng người, nghẹn lại, không thể kìm nén được xúc động khi cả những ngày còn cha ùa về" - anh Quỳnh nói thêm.

Quang Hùng