Thế giới 24h

Các nhà khoa học tuyên bố đã tìm thấy màu sắc mới?

Hà Trang 19/04/2025 22:26

(CLO) Phát hiện gây tranh cãi từ thí nghiệm bắn laser vào mắt, kích thích các tế bào võng mạc.

Sau hàng trăm nghìn năm sống trên Trái đất, con người nghĩ rằng họ đã thấy hết mọi sắc màu. Nhưng theo một nhóm nhà khoa học, vẫn còn một màu sắc chưa từng được con người trải nghiệm – cho đến bây giờ.

Các nhà nghiên cứu cho biết màu sắc olo chỉ có thể được cảm nhận thông qua thao tác laser trên võng mạc. (Ảnh: Austin Roorda)
Các nhà nghiên cứu cho biết màu sắc olo chỉ có thể được cảm nhận thông qua thao tác laser trên võng mạc. (Ảnh: Austin Roorda)

Phát hiện táo bạo và gây tranh cãi này đến từ một thí nghiệm tại Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu đã bắn xung laser trực tiếp vào mắt mình. Bằng cách kích thích các tế bào riêng lẻ trên võng mạc, họ tuyên bố đã vượt qua giới hạn tự nhiên của thị giác con người.

Mặc dù mô tả màu sắc mới không quá hấp dẫn — năm người tham gia cho biết họ nhìn thấy một gam màu xanh lam pha lục — nhưng họ khẳng định điều đó vẫn chưa thể diễn tả hết sự sống động và khác biệt của trải nghiệm này.

"Khi bắt đầu, chúng tôi chỉ kỳ vọng rằng màu sắc mới sẽ có dạng một tín hiệu thị giác lạ thường, nhưng không ai biết chắc não bộ sẽ xử lý nó ra sao", Ren Ng, kỹ sư điện tại Đại học California, Berkeley, chia sẻ. "Trải nghiệm đó thật sự đáng kinh ngạc. Màu sắc cực kỳ bão hòa".

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một hình vuông màu ngọc lam nhằm gợi ý về sắc độ mới này, và họ đặt tên cho nó là olo. Tuy vậy, họ nhấn mạnh rằng chỉ thông qua thao tác laser trên võng mạc mới có thể thực sự trải nghiệm được olo.

"Không thể tái hiện màu sắc đó bằng bài viết hay hình ảnh trên màn hình", nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cho biết.

Thông thường, con người nhận biết màu sắc dựa trên cách ánh sáng kích thích ba loại tế bào hình nón trên võng mạc, mỗi loại nhạy cảm với một dải bước sóng ánh sáng: dài (L), trung bình (M) và ngắn (S). Ánh sáng tự nhiên kích thích kết hợp các tế bào này ở các mức độ khác nhau, tạo nên vô số sắc màu mà chúng ta thấy.

Tuy nhiên, không có ánh sáng tự nhiên nào chỉ kích hoạt riêng biệt tế bào hình nón M. Đây chính là hạn chế mà nhóm nghiên cứu quyết tâm vượt qua.

Họ lập bản đồ chi tiết một phần nhỏ của võng mạc, xác định chính xác vị trí các tế bào hình nón M, sau đó dùng laser quét võng mạc. Khi tia laser đến gần tế bào M, nó phát ra xung ánh sáng cực nhỏ, đủ để kích hoạt từng tế bào riêng lẻ, đồng thời bù trừ chuyển động tự nhiên của mắt.

Kết quả là sự xuất hiện của một vùng màu sắc trong trường nhìn, lớn gấp đôi kích thước mặt trăng tròn. Màu sắc này vượt ra ngoài khả năng tự nhiên của thị giác vì chỉ riêng tế bào M được kích thích, một điều mà ánh sáng bình thường không thể đạt được.

Cái tên olo được lấy cảm hứng từ mã nhị phân "010", ám chỉ chỉ có tế bào M hoạt động trong ba loại tế bào.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy thuyết phục. John Barbur, chuyên gia thị giác tại Đại học London, cho rằng: "Đây không phải là một màu mới. Nó chỉ là một màu xanh lá cực kỳ bão hòa, chỉ xuất hiện khi đầu vào duy nhất đến từ các tế bào hình nón M". Ông nhận xét nghiên cứu có "giá trị hạn chế".

Dù vậy, nhóm nghiên cứu tin rằng công nghệ họ, đặt tên là Oz vision, sẽ mở ra nhiều cơ hội để khám phá cách não bộ hình thành nhận thức thị giác. Ngoài ra, phương pháp này còn có tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu mù màu và các bệnh về võng mạc.

Liệu công chúng có thể trải nghiệm olo không? Câu trả lời là chưa.

(theo The Guardian)

Hà Trang