Kinh tế vĩ mô

Chiến tranh thương mại xuất phát suy giảm lòng tin vào các hệ thống quốc tế

Việt Hà (Theo India Express) 20/04/2025 13:14

(CLO) Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang khi Mỹ áp thuế tới 245% với hàng Trung Quốc, khiến xuất khẩu Ấn Độ đình trệ.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, nhận định căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ sự xói mòn lòng tin vào hệ thống quốc tế và mối quan hệ giữa các quốc gia.

770-202504200854151.png
Logo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ảnh: Getty

Dù toàn cầu hóa đã góp phần đưa hàng triệu người thoát nghèo, song lợi ích mà nó mang lại không được phân bổ đồng đều. Nhiều cộng đồng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề khi việc làm bị chuyển ra nước ngoài.

Tại Ấn Độ, tác động của các cuộc chiến thương mại đã bắt đầu thể hiện rõ trong một số lĩnh vực. Các ngành công nghiệp nước này đang chịu thuế nhập khẩu cao đối với nguyên liệu đầu vào như thép và nhôm.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ thông tin cũng thấp hơn kỳ vọng, do chi tiêu tùy ý tại Mỹ suy giảm. Một số công ty phần mềm hàng đầu của Ấn Độ thậm chí bày tỏ lo ngại về việc điều chỉnh lương trong năm tài chính 2026 vì những gián đoạn liên quan đến chính sách thuế.

Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ trong năm tài chính 2025 cũng gần như không tăng trưởng. Nhiều ngành sử dụng nhiều lao động như đá quý, trang sức hay thủy hải sản tiếp tục chịu sức ép, thậm chí giảm sút. Căng thẳng thương mại còn dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu giá rẻ, trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế lên đến 245% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

“Các rào cản thương mại, cả về thuế và phi thuế, đã góp phần làm dấy lên tâm lý tiêu cực về hệ thống đa phương - vốn bị xem là không mang lại một sân chơi công bằng cho các quốc gia,” bà Georgieva nhận định.

“Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, thế giới đã chứng kiến sự hội tụ đáng kể về mức thuế hiệu quả của Mỹ ở mức thấp và ổn định. Tuy nhiên, xu hướng này đã chững lại trong 10 năm qua. Với hàng loạt đợt tăng thuế, tạm dừng, leo thang và miễn trừ gần đây, rõ ràng mức thuế hiệu quả của Mỹ đã tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều thế hệ.”

Các nền kinh tế lớn cần cải cách

Bà Georgieva cho rằng các quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cần tiến hành các cải cách nhằm củng cố nền tảng tăng trưởng dài hạn. Với Trung Quốc, IMF đang khuyến nghị các chính sách thúc đẩy tiêu dùng tư nhân - vốn ở mức thấp một cách dai dẳng.

Các biện pháp bao gồm giảm bớt vai trò của nhà nước trong ngành công nghiệp, cải cách các chính sách công nghiệp, đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm giảm nhu cầu tiết kiệm dự phòng.

“Nếu được triển khai một cách quyết liệt, những biện pháp này có thể củng cố niềm tin, thúc đẩy nhu cầu nội địa, giúp hàn gắn các mối quan hệ thương mại và tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc. Giai đoạn này cần bao gồm sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất sang dịch vụ - một quy luật tự nhiên khi nền kinh tế trưởng thành”, bà nói thêm.

Tại Mỹ, thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hàng đầu là đưa nợ liên bang vào lộ trình giảm dần, đòi hỏi phải cắt giảm đáng kể thâm hụt ngân sách. Theo bà Georgieva, điều này sẽ cần đến cải cách trong cơ cấu chi tiêu. Việc giảm nợ liên bang không chỉ giúp tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế mà còn góp phần giảm thâm hụt tài khoản vãng lai.

Đối với EU, bà đánh giá việc Đức đẩy mạnh chi tiêu công để phục vụ quốc phòng và đầu tư hạ tầng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, để cải thiện sức cạnh tranh, EU cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thị trường chung.

“Châu Âu cần một liên minh ngân hàng, một liên minh thị trường vốn, và ít rào cản hơn đối với thương mại dịch vụ trong nội khối,” bà nhấn mạnh.

“Thương mại cũng như nước”

“Về bản chất, thương mại giống như nước: khi các quốc gia dựng lên các rào cản, dù là thuế quan hay phi thuế, dòng chảy sẽ đổi hướng. Một số ngành ở một số quốc gia có thể ngập trong hàng nhập giá rẻ, trong khi những nơi khác lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Thương mại vẫn tiếp diễn, nhưng những gián đoạn đó gây ra chi phí”, bà Georgieva cảnh báo. Đây cũng là mối quan ngại ngày càng lớn đối với chính phủ Ấn Độ.

Bà cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn và thường xuyên đối mặt với các cú sốc, các quốc gia cần đẩy mạnh cải cách nội tại, không thể trì hoãn việc củng cố ổn định kinh tế và tài chính cũng như cải thiện tiềm năng tăng trưởng.

“Nhiều nền kinh tế đang bước vào giai đoạn mới với xuất phát điểm yếu hơn - đặc biệt là mức nợ công hiện đã cao hơn đáng kể so với vài năm trước. Do đó, hầu hết các quốc gia cần hành động tài khóa quyết liệt để tạo dư địa chính sách, đồng thời vạch ra lộ trình điều chỉnh dần phù hợp với khuôn khổ tài khóa”.

“Tuy nhiên, với một số nước, nếu xảy ra cú sốc lớn, việc hỗ trợ tài khóa có thể là cần thiết, nhưng phải được thiết kế theo hướng có mục tiêu và mang tính tạm thời”, bà kết luận.

Việt Hà (Theo India Express)