Tin tức

Hải Dương: Lấy ý kiến cử tri về Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng

PV 20/04/2025 15:53

(CLO) Tỉnh Hải Dương đang lấy ý kiến cử tri về Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, thành lập TP Hải Phòng trực thuộc Trung ương.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, tiến hành lấy ý kiến cử tri từ ngày 19/4.

Theo phương án sắp xếp, dự kiến thành lập TP Hải Phòng trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.

thanh-pho-hai-duong.jpeg
Hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng sẽ mở rộng không gian, tạo thêm động lực phát triển của 2 địa phương. Trong ảnh: Một nút giao thông tại TP Hải Dương.

Sau hợp nhất, TP Hải Phòng mới có diện tích 3.194 km2, quy mô dân số 4.664.124 người, đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp theo quy định tại điều 4 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang (dự kiến là tỉnh Bắc Ninh mới), phía nam giáp tỉnh Thái Bình (dự kiến là tỉnh Hưng Yên mới), phía đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía tây giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên.

Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính của TP Hải Phòng mới ở Trung tâm chính trị - hành chính của TP Hải Phòng đang hoàn thiện tại TP Thuỷ Nguyên hiện nay.

Cả hai địa phương đều nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, có địa hình chủ yếu là đồng bằng thấp, bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp và giao thông.

thuy-nguyen.jpg
Trung tâm chính trị - hành chính của TP Hải Phòng đang hoàn thiện tại TP Thuỷ Nguyên.

Hai địa phương có đường địa giới hành chính giáp ranh nhau với chiều dài đường địa giới hành chính là 97,8 km. Tỉnh Hải Dương có các huyện tiếp giáp với TP Hải Phòng là Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành và thị xã Kinh Môn. TP Hải Phòng có các quận, huyện, thành phố tiếp giáp với tỉnh Hải Dương là An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo.

Hai địa phương có hệ thống giao thông như quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nối liền 2 tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển sau khi sắp xếp. Ngoài ra TP Hải Phòng có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Về cơ cấu kinh tế, cả hai tỉnh, thành phố đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74%, đều là các địa bàn công nghiệp trọng điểm.

Tỉnh Hải Dương hiện có 542 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 10,3 tỷ USD, nhiều khu công nghiệp lớn đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư; tỉnh đặt mục tiêu đến 2030 phát triển 33 khu công nghiệp và một khu kinh tế chuyên biệt dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trong khi đó, Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục 10 năm, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tới khoảng 53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, thiết bị điện.

Về định hướng phát triển, cả 2 địa phương đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, định hướng TP Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.

Tỉnh Hải Dương cũng được định hướng đến năm 2030 sẽ đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

PV