Đời sống văn hóa

Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy công nghiệp âm nhạc Việt phát triển bền vững

Kiều Anh 20/04/2025 19:47

(CLO) Ngày 20/4, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”.

img_7118.jpg
Quảng cảnh chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” - Ảnh: TTXVN

Sự kiện nhằm tạo diễn đàn để cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cùng trao đổi, nhận diện những rào cản và đề xuất giải pháp phát triển thị trường âm nhạc trong nước, đồng thời từng bước hướng tới khả năng vươn ra quốc tế.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết đây là lần đầu tiên cơ quan tổ chức một buổi đối thoại mở, trực tiếp lắng nghe những phản ánh từ doanh nghiệp về khó khăn trong cơ chế, thủ tục hành chính, đồng thời định hướng việc xây dựng các sự kiện âm nhạc mang tầm vóc, có giá trị văn hóa, kinh tế và tiềm năng xuất khẩu.

Tại buổi đối thoại, nhiều đại diện doanh nghiệp thẳng thắn nêu lên các bất cập đang kìm hãm sự phát triển của ngành âm nhạc, từ quy trình cấp phép tổ chức sự kiện còn rườm rà, chính sách thuế và tài chính chưa thống nhất, cho đến tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Đặc biệt, vấn đề bảo hộ bản quyền, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm âm nhạc cũng như khả năng thương mại hóa tác phẩm vẫn là những nút thắt chưa dễ tháo gỡ.

Đại diện các đơn vị như Vietnam Idol, BH Media, TikTok Việt Nam, Vietfest, Yeah1... nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc phát hành và khai thác sản phẩm âm nhạc trong thời đại số. Nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần sớm thiết lập cơ chế hợp tác công - tư, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường kết nối các mắt xích trong ngành nhằm xây dựng nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam phát triển bài bản, bền vững.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ làm nghề, từ sản xuất, biểu diễn đến quản lý sự kiện là yếu tố then chốt để hình thành một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Đại diện Cục Bản quyền tác giả khẳng định, trên cơ sở các góp ý từ đối thoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 144 cùng nhiều chính sách tài chính, thủ tục hành chính liên quan, nhằm tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động âm nhạc phát triển.

Bên cạnh buổi đối thoại, một chương trình giao lưu với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” cũng đã diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, thu hút đông đảo bạn trẻ và người yêu âm nhạc. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ, tôn vinh giá trị sáng tạo và lan tỏa thông điệp xây dựng TP Hồ Chí Minh thành thành phố của sáng tạo nghệ thuật.

Kiều Anh