Đại diện Amcham: Chúng tôi đánh giá cao những động thái của Chính phủ Việt Nam với thuế đối ứng của Hoa Kỳ
(CLO) Đại diện Amcham khẳng định: Thuế đối ứng không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Liên quan tới vấn đề thuế đối ứng của Hoa Kỳ, bà Nguyễn Việt Hà, Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) đánh giá rất cao những động thái, hành động của Chính phủ Việt Nam về những giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Việt Hà cho rằng, Chính phủ cũng cần xem xét, cân nhắc thêm một số vấn đề mà phía Hoa Kỳ đang quan tâm, để tạo thêm thuận lợi trong quá trình đàm phán với Hoa Kỳ.
Bà đánh giá thế nào về chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, nó có tác động thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?
- Chúng tôi (Amcham) đã khẳng định rõ, thuế đối ứng không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bởi, dòng vốn đầu tư FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam không phải nhỏ. Do đó, chúng tôi cũng đã có kiến nghị lên Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại chính sách thuế, chính sách thương mại đối với Việt Nam.
Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để ứng phó với những chính sách thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ, ví dụ như thành lập Đoàn đàm phán về các đề thương mại với Hoa Kỳ, hoặc chủ động giảm một số loại thuế, phí đối với hàng hóa có nguồn gốc từ quốc gia này. Bà có quan điểm thế nào về vấn đề này?
- Tôi đánh giá rất cao những động thái, hành động vừa qua của Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Cụ thể, Việt Nam đã có 2 giải pháp thực hiện đồng thời rất phù hợp, đó là tập trung đàm phán với Hoa Kỳ và có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Liên quan tới vấn đề đàm phán thương mại, phía Hoa Kỳ đang rất quan tâm tới 3 vấn đề: Đó là thặng dư thương mại, các vấn đề về nguồn gốc hàng hóa, cuối cùng là các rào cản kỹ thuật, phi thuế quan.
Đối với vấn đề thặng dư thương mại, Việt Nam đã có những chính sách phù hợp trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố thuế đối ứng.
Cụ thể, Việt Nam đã chủ động thu hẹp thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, bằng cách mua nhiều hơn, nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ quốc gia này. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách là tương đối khó. Bởi vì, trong năm 2024, Việt Nam có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lên tới hơn 100 tỷ USD, đây là con số không phải là nhỏ.
Cho nên, Việt Nam cần có những biện pháp khác như hạ một số loại thuế, phí để hỗ trợ một số mặt hàng có thế mạnh của Hoa Kỳ vào Việt Nam được tốt hơn.
Tiếp đến là các vấn đề về xuất xứ hàng hóa, kiểm soát hàng hóa. Hiện nay, phía Hoa Kỳ rất quan ngại việc các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu từ nước khác để xuất khẩu sang Mỹ.
Có trường hợp doanh nghiệp FDI lợi dụng mức thuế của Việt Nam thấp để chuyển hàng hóa của họ sang Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi mong các doanh nghiệp trong nước có thể đa dạng hơn nguồn nguyên vật liệu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Vấn đề thứ 3 liên quan tới các rào cản kỹ thuật, phi thuế quan, đây cũng là vấn đề đang khó giải quyết nhất. Tuy nhiên, nếu Chính phủ giải quyết được vấn đề này không chỉ tạo thuận lợi khi đàm phán với Hoa Kỳ, mà còn hỗ trợ chính các doanh nghiệp trong nước.
Tại một báo cáo được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mới đây, liên quan tới các rào cản kỹ thuật, nội dung liên quan tới Việt Nam là dài nhất, nhiều vấn đề mà họ quan tâm.
Báo cáo này có nhắc tới thuế nhập khẩu. Mặc dù Việt Nam đã hạ thuế nhập khẩu, thuế MFN đối với một số mặt hàng, tuy nhiên, Việt Nam lại đang xem xét tăng, hoặc bổ sung thêm một số mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong trường hợp này, kể cả Việt Nam có giảm thêm thuế nhập khẩu, nhưng tăng 2 loại thuế nêu trên cũng không có nhiều ý nghĩa. Do đó, tôi cho rằng, hiện chưa phải là thời gian phù hợp để tăng hoặc bổ sung thêm các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì nó có thể ảnh hưởng tới việc đàm phán đối với Hoa Kỳ.
Ngay cả khi Việt Nam đàm phán xong với Hoa Kỳ, Chính phủ cũng cần xem xét lại có nên tăng hoặc bổ sung thêm mặt hàng phải chịu loại thuế này không. Bởi, nó có thể tác động tới nhu cầu tiêu thụ trong nước, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, Việt Nam đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích sản xuất.
Đối với thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), Chính phủ đã nhận ra vấn đề này, nên tiếp tục chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ đàm phán.
Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh liên quan với loại thuế này sau khi có Luật Thuế giá trị gia tăng mới. Ví dụ, trước đây các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu được hưởng mức thuế 0%, tuy nhiên việc sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng đã hạn chế một số dịch vụ xuất khẩu.
Một trong những dịch vụ đó là dịch vụ tìm kiếm nguồn hàng, đây là dịch vụ rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa hàng hóa của mình vào thị trường Hoa Kỳ. Hiện chưa rõ dịch vụ này có được hưởng mức thuế 0% như trước hay không.
Một rào cản kỹ thuật nữa được nhắc trong báo cáo, đó là việc Việt Nam hạn chế doanh nghiệp FDI đầu tư vào một số ngành nghề, dịch vụ. Ví dụ như các dịch vụ vận tải, kho bãi, có thể nói ngành này không ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp FDI không được tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Do đó, tôi mong muốn Chính phủ có thể rà soát tổng thể, xem xét kỹ một số ngành nghề, dịch vụ và một số mặt hàng có thể cho phép các doanh nghiệp FDI tiếp cận được thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, còn một rào cản kỹ thuật khác, đó là giấy chứng nhận tiêu chuẩn của một số mặt hàng nhập khẩu. Ví dụ, có một số thiết bị công nghệ được nhập khẩu vào Việt Nam đã được lưu hành rộng rãi ở nước ngoài, được nhiều quốc gia công nhận. Tuy nhiên, theo quy định, mặt hàng này phải đưa ra giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều phòng kiểm định chất lượng tiêu chuẩn của Việt Nam chưa đủ khả năng để xác nhận các mặt hàng này, cho nên mới phát sinh ra thực trạng chờ đợi giấy chứng nhận tiêu chuẩn rất lâu. Vì vậy, tôi mong muốn Chính phủ nên xem xét một số vấn đề này để tạo thêm những thuận lợi khi đàm phán với Hoa Kỳ.
Xin cảm ơn bà!