Dưới lòng đất thép Vĩnh Linh
(NB&CL) Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị hình thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là công trình kiến trúc quân sự kì vĩ, độc đáo, dài hàng chục cây số nằm sâu dưới lòng đất, là nơi quân và dân đất thép Vĩnh Linh kiên trì bám trụ “một tấc không đi, một li không rời” để chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông huyết mạch giao thông ra tiền tuyến.
Đại diện Ban Quản lí di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc cho biết, hằng năm khu di tích đón khoảng 60.000 - 70.000 người đến tham quan, nhiều nhất là học sinh của các trường học và các đoàn cựu chiến binh đến tham quan, học tập. Đặc biệt, nhiều khách quốc tế cũng rất ấn tượng khi tham quan và tìm hiểu những giá trị lịch sử của di tích Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Vĩnh Linh giữ một vị trí quân sự quan trọng, vừa là đầu cầu giới tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lại vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Vì vậy, trong suốt những năm 1965 - 1972, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Tính bình quân, mỗi người dân ở đây đã phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ.

Để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, quân và dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hệ thống hầm hào, công sự với nhiều công năng như: trụ sở, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà hộ sinh, khu vực sinh hoạt của từng gia đình... Các công trình này được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển và được nối thông với nhau bằng hệ thống địa đạo và giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ cuối năm 1965 đến năm 1968, toàn huyện Vĩnh Linh có 114 địa đạo với tổng chiều dài hơn 40km, hệ thống giao thông hào hơn 2.000km và hàng trăm tiểu đạo khác, trở thành những “làng hầm” lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Trong đó, hệ thống địa đạo và giao thông hào Vịnh Mốc được đào ở khu vực thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, dài hơn 1.060m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra biển). Dọc hai bên đường hầm có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 - 60 người) làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn…
Trong trí nhớ còn minh mẫn, ông Hồ Văn Triêm nay đã 88 tuổi, người từng trực tiếp đào địa đạo 60 năm về trước, cho biết đúng 7 giờ sáng ngày 25/7/1965, ông Ngô Trạn - chi ủy viên Chi bộ thôn Vịnh Mốc – đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở đầu cho công cuộc đào địa đạo. Địa điểm được lựa chọn là quả đồi phía Nam làng Vịnh Mốc, sát với mép biển, cách Cửa Tùng khoảng 7km về phía Bắc và cách đảo Cồn Cỏ chừng 30km về phía Tây.
Ông Triêm cho hay, ban đầu đào ở trên mặt đất còn dễ, càng xuống phía dưới không khí càng ít khiến cho ai nấy đều ngột ngạt khó thở. Dưới lòng đất sâu tối như bưng, chỉ có ánh đèn dầu lay lắt nên hầu như chỉ đào mò mẫm, khói đèn dầu tỏa ra cay xè, ám đen cả lỗ mũi.

Địa đạo là nơi ở của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Trong điều kiện khắc nghiệt như thế hệ thống địa đạo của làng hầm Vĩnh Lĩnh đã chứng kiến sự ra đời đầy kì diệu của 60 đứa trẻ, riêng địa đạo Vịnh Mốc có 17 đứa trẻ đã được sinh ra.
Năm 2014, địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến năm 2023, Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Quy hoạch được xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc lập Quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp nhận diện đầy đủ giá trị, bảo vệ bền vững khu di tích này; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lí.
Quy hoạch còn giúp phát huy giá trị di tích trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, sức mạnh đoàn kết, sự sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc gắn với lịch sử phát triển tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, Quy hoạch còn giúp cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia, của vùng, của tỉnh; khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, tạo dựng điểm du lịch văn hóa - lịch sử đặc sắc, có giá trị không chỉ của tỉnh Quảng Trị mà của cả nước nói chung; thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, việc nghiên cứu tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa khu di tích địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh với các điểm như: “tam giác” du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ, khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay nối Việt Nam với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar... sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển kinh tế, du lịch của Quảng Trị, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch DMZ.