Tử ngục Chín Hầm - Địa ngục trần gian
(NB&CL) Sau năm 1975, trong một lần đến thăm khu biệt giam Chín Hầm, đứng trước một cửa hầm, cụ Đào Duy Anh đã không cầm được nước mắt: “Giờ đây được chứng kiến tận mắt cái địa ngục trần gian này, tôi không thể nào hiểu được. Không biết trên thế giới còn có nơi nào biệt giam con người tàn nhẫn đến như thế này không!”.
Chín Hầm – “Địa ngục trần gian”
Chín Hầm là sản phẩm gắn liền với tội ác trời không dung đất không tha của “bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn. Chín Hầm nằm trên núi Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế.
Gọi là Chín Hầm nhưng thực ra có 8 hầm và 1 pháo đài canh. Chín Hầm vốn là cái kho do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941 để cất giấu vũ khí. Sau năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, Ngô Đình Cẩn ở miền Trung đã cho cải tạo thành khu biệt giam để giam cầm và tra tấn những người yêu nước và cả những ai có tư tưởng chống đối lại chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô.

Các hầm ở đây được xây dựng kiên cố như những chiếc boongke nửa chìm nửa nổi dài chừng 10m, rộng 6m ăn sâu vào sườn đồi. Bên trong hầm, từ cửa vào, hai bên có hai dãy xà lim chuồng cọp. Mỗi chuồng cọp dài gần 2m, rộng khoảng 0,8m, bên trên có song sắt lớn chắn ngang đầu, dưới sàn có kê tấm ván vừa một người nằm. Hầm giam có cửa sắt kiên cố đóng kín, bên trên có một lỗ thông hơi duy nhất nên khi đóng cửa thì bên trong tối om, hôi hám, ngột ngạt vô cùng. Mùa hè thì nóng như nung, mùa lạnh thì lạnh thấu xương.

Tù nhân bị giam trong Chín Hầm ngày cũng như đêm lúc nào cũng phải sống trong cảnh tối tăm không thấy ánh mặt trời. Mỗi tù nhân nằm một chuồng cọp, trong đó có một cái đĩa đựng thức ăn, một cái vỏ lon sữa bò để đựng nước và một cái xô để đi tiểu tiện, đại tiện. Xô làm bằng gỗ, cứ 7 đến 10 ngày lính canh mới xách đi đổ một lần; có lúc chúng cố tình quên để lâu ngày nên mùi phân, nước tiểu và máu mủ của người bệnh bốc lên hôi tanh khủng khiếp khiến cho rắn rết, chuột bọ bò vào sinh sôi, nảy nở kiếm ăn, quấy phá lây lan bệnh tật.
.jpg)
Nhiều người bảo so với Chín Hầm thì địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc hay khám Chí Hòa vẫn còn là thiên đường. Đáng sợ nhất là những màn tra tấn như thời Trung Cổ của đám cai ngục. Tù nhân chết có lúc lên đến mấy chục người, cai ngục kéo ra ngoài đào hố vứt xuống rồi lấy cành cây lấp lên. Có người còn kể rằng, có hầm giam bị ngập nước, tù nhân bị bệnh không nằm được phải đứng ngâm nước lâu ngày nên chân cẳng lở loét thối rữa trơ cả xương. Sự khủng khiếp của tử ngục Chín Hầm đúng là không bút mực nào tả xiết.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Để tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống ở nơi đây, đồng thời để ghi dấu tội ác tày trời của kẻ thù, ngày 16/12/1993, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận khu vực Chín Hầm là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Năm 2003, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giao khu quy hoạch Chín Hầm cho Công ty Du lịch Hương Giang quản lí. Để phát huy giá trị di tích, Công ty này đã xây dựng, cải tạo và phục dựng một số công trình như: khu tượng đài, đền tưởng niệm, trụ biểu, nhà đón tiếp khách tham quan, cải tạo hệ thống đường dạo, cải tạo 02 hồ nước, phục dựng lại hầm số 8, trồng cây xanh…

Đền tưởng niệm được xây dựng kiểu nhà 3 gian 2 chái bằng bê tông cốt thép. Ba gian tượng trưng cho 3 miền Bắc – Trung – Nam. Bên trong có 3 án thờ; án giữa nơi trang trọng nhất thờ các tù nhân bị bắt giam và chết ở Chín Hầm. Đến năm 2013, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử TP. Huế) trực tiếp quản lí.
Tuy nhiên, hiện nay, khu di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 13/02/2025, UBND TP. Huế đã ban hành Công văn số 1569/UBND-XDCB về việc chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2026 - 2030, theo đó dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử khu vực Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn được đưa vào danh mục chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Huế, cho biết thời gian qua, mặc dù trang thiết bị, cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu thốn, điều kiện kinh phí hết sức khó khăn, nhưng Bảo tàng vẫn nỗ lực quản lí và khai thác di tích này. Hiện mỗi năm di tích đón khoảng 30.000 lượt đến 40.000 lượt khách tham quan, trở thành “địa chỉ đỏ” lan tỏa tinh thần bất khuất, lòng yêu nước, lí tưởng cách mạng…