Thế giới 24h

Giáo hoàng Francis qua đời: Việc tìm người kế vị sớm bắt đầu và sẽ diễn ra như thế nào?

Hoài Phương 21/04/2025 17:44

(CLO) Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88, mở ra giai đoạn chuyển giao rất quan trọng và luôn rất ly kỳ trong Giáo hội Công giáo.

Sáng 21/4, Vatican xác nhận Giáo hoàng Francis đã qua đời ở tuổi 88, chỉ vài ngày sau khi được xuất viện vì điều trị một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phức tạp.

Sự ra đi của ông, diễn ra sau 12 năm trị vì trên ngai Tòa thánh, lập tức khơi lên câu hỏi lớn: ai sẽ là người kế nhiệm để dẫn dắt hơn 1,3 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn cầu?

untitled(7).png
Giáo hoàng Francis đã qua đời ở tuổi 88. Ảnh: X/Pontifex

Cuộc đua ngầm bắt đầu

Người kế nhiệm Giáo hoàng Francis vẫn chưa được chọn. Quy trình bầu chọn sẽ do Hội đồng Hồng y, bao gồm hơn 240 giáo sĩ cấp cao của Giáo hội, thực hiện. Mặc dù bất kỳ tín hữu Công giáo La Mã nào đã được rửa tội đều có thể trở thành giáo hoàng, truyền thống nhiều thế kỷ qua vẫn chỉ chọn trong số các hồng y.

Trong số đó, 138 vị dưới 80 tuổi đủ điều kiện tham gia mật nghị, cuộc bầu chọn giáo hoàng được tổ chức kín trong Nhà nguyện Sistine. Các hồng y sẽ bị "giam lỏng" trong suốt quá trình bỏ phiếu để tránh bị tác động từ bên ngoài.

Mỗi vòng bỏ phiếu là bí mật tuyệt đối, do 9 hồng y được chọn ngẫu nhiên giám sát. Kết quả được thông báo qua làn khói: khói đen nghĩa là chưa có quyết định, khói trắng là đã chọn được giáo hoàng mới.

Khi nào mật nghị bắt đầu?

Thường là sau 2 đến 3 tuần để tổ chức tang lễ kéo dài 9 ngày và cho các hồng y từ khắp nơi trên thế giới về kịp. Năm 2013, khi cựu Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị, mật nghị bắt đầu sau 12 ngày và nhanh chóng đưa Francis, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, lên ngôi.

Việc bầu chọn có thể mất từ vài ngày đến vài tuần, tùy vào mức độ đồng thuận. Nếu sau 33 vòng vẫn không có kết quả, hai ứng viên dẫn đầu sẽ đối đầu trong một vòng quyết định.

Lịch sử từng chứng kiến sự kéo dài đau đầu: năm 1271, phải mất gần 3 năm mới bầu được Giáo hoàng Gregory X do mâu thuẫn chính trị gay gắt.

Ai đang được để ý tới?

Trong số 138 hồng y đủ điều kiện, 110 người do chính Giáo hoàng Francis bổ nhiệm, phản ánh lý tưởng của ông về một Giáo hội toàn cầu, đa dạng và bao trùm. Đại diện từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh chưa từng đông đảo như thế, và rất có thể lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, giáo hoàng tiếp theo sẽ không đến từ châu Âu.

Một số cái tên nổi bật gồm:

  • Peter Turkson (Ghana): Cựu giám đốc Hội đồng Công lý và Hòa bình, tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề xã hội ở châu Phi.
  • Fridolin Ambongo (Cộng hòa Dân chủ Congo): Tổng giám mục Kinshasa, nổi bật trong các nỗ lực hòa bình ở quê nhà.
  • Luis Tagle (Philippines): Gương mặt quen thuộc từ châu Á, có tư tưởng tương đồng với Giáo hoàng Francis về công lý xã hội và người nghèo.
  • Peter Erdo (Hungary): Một ứng viên bảo thủ, thiên về truyền thống, được xem là cầu nối với Chính thống giáo Đông phương.
  • Pietro Parolin (Ý): Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, là người được nhiều hồng y biết đến và nể trọng.
  • Matteo Zuppi (Ý)Mario Grech (Malta): Cả hai đều có ảnh hưởng trong Thượng hội đồng Giám mục, cơ quan định hình định hướng của Giáo hội thời gian qua.

Trong thời gian chờ đợi, ai điều hành Vatican?

Khi ngai Tòa thánh bị bỏ trống, thời kỳ gọi là sede vacante, Hồng y camerlengo sẽ tiếp quản các hoạt động hành chính và tài chính, nhưng không có quyền thay đổi giáo lý hay ra quyết định lớn. Hiện tại, vị trí này do Hồng y Kevin Farrell người Ireland đảm nhận. Ông đồng thời là Chủ tịch Tòa án tối cao của Vatican.

Lịch sử đang chuyển mình. Vatican bước vào một chương mới, đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hy vọng. Ai sẽ là người tiếp theo mặc áo trắng, dang tay trước ban công Thánh Peter và nói với thế giới: “Habemus Papam”?

(theo AJ, Vatican News)

Hoài Phương